Xước măng rô (HANGNAILS) là gì? Nguyên nhân và cách xử lý

Mùa đông chúng ta hay bị 1 tình trạng gọi là xước măng rô (tên tiếng Anh là hangnails hay eponychium). Trên các trang mạng nói tình trạng này do thiếu dinh dưỡng? Vậy thật sự hangnails là gì, nguyên nhân gây bệnh và cách chúng ta dự phòng ra sao? Mọi người hãy cùng BS Da liễu tìm hiểu nhé

1. Xước măng rô là gì?

  • Là tình trạng mảnh da nhỏ bị rách bên cạnh móng tay (hiếm khi gặp ở móng chân).
  • Trong thuật ngữ tiếng anh “hangnails” có từ “nails” có thể làm nhầm lẫn là tình trạng này ảnh hưởng đến móng, nhưng trên thực tế đây là một bệnh của da.

 

2. Vậy tại sao chúng ta lại bị xước măng rô?

Các nguyên nhân:
  • Da bị khô trong những ngày mùa đông hay khi rửa tay nhiều lần.
  • Do chấn thương: cắt, cắn móng tay…
  • Một số nghề nghiệp có nguy cơ cao khi tiếp xúc với hoá chất, chất tẩy rửa như: bác sỹ, y tá, nhân viên thực phẩm, thợ mộc và thợ xây dựng…
Vậy đó, trong số các nguyên nhân trên thì chưa thấy nguyên nhân thiểu dưỡng được đưa ra!!

 

3. Biểu hiện của bệnh như thế nào?

  • Mảnh da nhỏ bị rách bên cạnh móng tay.
  • Vị trí: thường bị ở gốc và 2 bên móng, nơi có nhiều thần kinh và mạch máu. Khi tổn thương bị bội nhiễm sẽ xuất hiện viêm đỏ, chèn vào các đầu dây thần kinh gây đau.

 

4. Làm thế nào giải quyết tình trạng trên?

Không nên cố gắng xé hoặc giật nó da. Nếu giật mạnh có thể làm mất thêm vùng da lành và tổn thương sâu hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, còn làm vùng tổn thương trở nên đỏ và viêm.

Để lấy bỏ xước măng rô một cách an toàn và hiệu quả, bạn có thể làm theo các bước sau:

  • Rửa tay sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Làm mềm xước măng rô bằng nước xà ấm. Bạn cũng có thể bôi dưỡng ẩm nên vùng tổn thương một cách nhẹ nhàng. Để khoảng 10 phút cho mềm.
  • Dùng bấm móng tay hoặc kéo đã được khử trùng để lấy bỏ xước măng rô. Đảm bảo chỉ cắt phần xước măng rô nhô ra ngoài chứ không cắt cắt phần da bên dưới. Cố gắng lấy bỏ càng nhiều da chết càng tốt.
  • Nếu cắt quá sát và chảy máu, rửa sạch bằng nước, bôi kháng sinh và băng vết thương cho đến khi lành hẳn.
  • Nếu cắt tổn thương và không bị chảy máu, thì chỉ cần chăm sóc bằng cách bôi dưỡng ẩm.
  • Trong trường hợp xước măng rô nặng, nhiều và hay tái phát, có thể sử dụng keo cyanoacrylate (keo phẫu thuật) vào ngón tay bị tổn thương sau khi đã lấy phẩn xước. Keo này dính da bị rách vào kẽ móng, do đó ngăn vết rách kéo dài thêm vào hạ bì. Điều này cũng giúp bệnh nhân thực hiện được các hoạt động hàng ngày mà không có cảm giác khó chịu. Sau khi lành, phần keo sẽ tự bong ra.

 

5. Xước măng rô có gây biến chứng gì không?

Chủ yếu là nguy cơ nhiễm trùng do đó cần giữ tay sạch sẽ, không xé hay cắn xước măng rô.
  • Biểu hiện của nhiễm trùng: da đỏ, sưng nề quanh tổn thương, có thể có mủ vùng quanh móng hoặc khu vực xước măng rô, sờ nóng, đau.
  • Điều trị: lấy bỏ phần xước măng rô như trên và bôi kháng sinh tại chỗ, băng lại.

6. Làm thề nào để phòng tránh xước măng rô?

  • Đi găng tay khi trời lạnh.
  • Măng găng bảo hộ khi làm các việc dễ gây tổn thương da như: làm vườn, dọn dẹp nhà, rửa bát…
  • Giữ ẩm cho da tay bằng dưỡng ẩm.
  • Hạn chế cắn móng tay
  • Giảm hoặc ngừng sử dụng các sản phẩm chứa aceton (thường có trong sơn móng tay) vì có thể làm khô da

BS Hoàng Văn Tâm, BS Nguyễn Doãn Tuấn

Hội Bác sĩ Da liễu – Thẩm mỹ Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *