Ung thư bàng quang nhận biết và điều trị

Thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN 2018, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.502 trường hợp mắc mới và 883 trường hợp tử vong do ung thư bàng quang.

Phó giáo sư Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết ung thư bàng quang nằm trong nhóm các bệnh ung thư thường gặp nhất. Việc phát hiện và điều trị bướu bàng quang ở giai đoạn sớm giúp tăng tỷ lệ sống còn, tăng chất lượng sống sau điều trị.

UNG THƯ BÀNG QUANG LÀ GÌ?

Bàng quang là một cơ quan rỗng nằm ở vùng bụng dưới chứa nước tiểu do thận thải ra. Nước tiểu từ thận được dẫn vào bàng quang thông qua một ống gọi là niệu quản. Lớp phía ngoài của thành bàng quang là một lớp cơ, khi bàng quang đầy nước tiểu lớp cơ này sẽ co bóp để tống nước tiểu ra ngoài qua một ống nhỏ khác gọi là niệu đạo.

Lớp niêm mạc phía trong của thành bàng quang được tạo thành từ các tế bào chuyển tiếp và tế bào vảy. Trên 90% ung thư xuất phát từ tế bào chuyển tiếp còn gọi là ung thư biểu mô chuyển tiếp. Còn lại có khoảng 8 % là ung thư biểu mô vảy.

Những ung thư còn khư trú ở niêm mạc bàng quang thì được gọi là ung thư bề mặt bàng quang, các bác sĩ còn gọi là ung thư tại chỗ. Loại này thường tái phát sau phẫu thuật. Các tế bào ung thư ban đầu ở bề mặt bàng quang sau đó chúng sẽ phát triển đến lớp cơ của bàng quang. Hiện tượng này gọi là sự xâm lấn của ung thư, sự xâm lấn này có thể vượt ra ngoài thành bàng quang vào các cơ quan lân cận như tử cung, âm đạo (ở phụ nữ) hoặc tuyến tiền liệt (ở nam giới) và nó cũng có thể tới thành bụng. Khi ung thư xâm lấn qua thành bàng quang, các tế bào ung thư có thể được tìm thấy ở các hạch lymphô gần đó, và tại thời điểm này các tế bào ung thư có thể đã lan tới các hạch lymphô khác hoặc các cơ quan như phổi, gan, xương.

Khi ung thư di căn từ cơ quan nguyên phát tới các cơ quan khác của cơ thể thì khối u mới được hình thành có cùng bản chất và tên gọi với khối u ở cơ quan nguyên phát. Ví dụ, nếu ung thư bàng quang lan tới phổi thì các tế bào ung thư ở phổi thực chất là các tế bào ung thư bàng quang chứ không phải là các tế bào ung thư phổi và việc điều trị cần được áp dụng như đối với ung thư bàng quang chứ không phải như ung thư phổi.

NGUY CƠ MẮC UNG THƯ BÀNG QUANG

Không ai có thể biết chính xác nguyên nhân gây ung thư bàng quang nhưng rõ ràng đây không phải là bệnh lây nhiễm, không ai bị lây ung thư từ người khác. Những người bị ung thư bàng quang thường có các yếu tố nguy cơ cao hơn so với những người không mắc, các yếu tố nguy cơ này làm tăng khả mắc ung thư. Tuy nhiên hầu hết những nguời có tiếp xúc với yếu tố nguy cơ nhưng lại không xuất hiện ung thư, bên cạnh đó có nhiều người mặc dù không có yếu tố nguy cơ nào nhưng vẫn bị ung thư. Các bác sĩ ít khi có thể giải thích được tại sao người này thì bị ung thư trong khi đó người khác lại không bị.

Qua nghiên cứu người ta đã tìm ra một số yếu tố nguy cơ của ung thư bàng quang:

Tuổi: Những người cao tuổi dễ bị ung thư bàng quang hơn so với những người trẻ, bệnh này rất ít gặp ở tuổi < 40.

Thuốc lá: Người ta cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bàng quang. Nguy cơ bị ung thư bàng quang ở những người hút thuốc tăng cao gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc.

Nghề nghiệp: Một số công nhân có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang vì tiếp xúc với các yếu tố sinh ung thư như cao su, chất hóa học, da thuộc. Các công nhân như thợ làm đầu, thợ kim khí , thợ in, sơn, dệt, người lái xe tải cũng tăng nguy cơ bị căn bệnh này.

Nhiễm trùng: Những nguời bị nhiễm ký sinh trùng bị tăng nguy cơ bị ung thư bàng quang. Các bệnh do ký simh trùng phổ biến hơn ở các nước vùng nhiệt đới.

Những người bị ung thư hoặc những bệnh khác mà phải điều trị bằng Cyclophosphamide hoặc Asenic có nguy cơ bị ung thư bàng quang.

Chủng tộc: Những người Mỹ da trắng có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao gấp 2 lần so với người Mỹ da đen và người Tây Ban Nha, Bồ Đáo Nha. Tỉ lệ mắc thấp nhất ở tộc người châu á.

Giới : Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới từ 2-3 lần.

Tiền sử gia đình: Những người mà trong gia đình có người bị ung thư bàng quang có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn so với những người khác. Nguy cơ này cũng tăng ở những người có những thay đổi về gen.

Tiền sử đã từng bị ung thư bàng quang: Những người đã bị Ung thư bàng quang dễ có khả năng bị bệnh trở lại (tái phát).

Ngoài ra chất Clo được cho vào nước bên cạnh tác dụng diệt khuẩn nó cũng tạo ra những sản phẩm khác nhau của clo trong nước, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu các sản phẩm này trong vòng 25 năm qua nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng tỏ các chất này có khả năng gây ung thư ở người, và các nghiên cứu này vẫn còn đang tiếp tục được thực hiện để tìm ra câu trả lời liệu chúng có gây ung thư hay không.

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng đường Saccharin có thể gây ung thư thực nghiệm trên động vật. Tuy nhiên các nghiên cứu cũng không chỉ ra rằng nó có khả năng gây ung thư trên người hay không.

Nếu ai nghĩ rằng mình có các yếu tố liên quan tới ung thư bàng quang thì hãy nên nói với các bác sĩ về mối liên quan này. Các bác sĩ có thể gợi ý cho bạn cách làm giảm các nguy cơ này và có kế hoạch kiểm tra thích hợp.

TRIỆU CHỨNG UNG THƯ BÀNG QUANG

Các triệu chứng thông thường của ung thư bàng quang bao gồm:

  • Đái máu từ hồng nhạt đến đỏ thẫm
  • Đau khi đi đái
  • Đái rắt, muốn đi tiểu nhưng không đi được.

Những dấu hiệu trên không phải là dấu hiệu chắc chắn của ung thư bàng quang vì các triệu chứng này có thể gặp trong một số bệnh khác như u lành tính bàng quang, sỏi bàng quang. Khi có những triệu chứng trên các bạn nên gặp bác sĩ ngay để bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Những người có những triệu chứng trên có thể gặp bác sĩ các bác sĩ chuyên khoa ung bướu hoặc tiết niệu.

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BÀNG QUANG

Nếu một bệnh nhân có những triệu chứng gợi ý ung thư bàng quang, các bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu chung về sức khoẻ và có thể làm một số xét nghiệm để chẩn đoán. Nói chung một bệnh nhân thường phải tiến hành qua một hoặc nhiều bước dưới đây:

Khám lâm sàng: Có thể khám thấy khối bất thường ở bụng hoặc khung chậu. Ngoài ra các bác sĩ có thể thăm khám âm đạo và trực tràng.

Xét nghiệm nước tiểu: Tìm hồng cầu, tế bào ung thư trong nước hay những dấu hiệu khác của bệnh.

Chụp tĩnh mạch có cản quang: Các bác sĩ sẽ tiêm chất có cản quang vào trong tĩnh mạch. Các chất này sẽ được thận thải ra và tập trung ở bàng quang. Khi đó chụp x- quang có thể phát hiện những hình ảnh bất thường của bàng quang.

Soi bàng quang: Các bác sĩ sử dụng một ống nhỏ sáng để quan sát trực tiếp lòng bàng quang. Họ sẽ đưa ống soi bàng quang qua niệu đạo vào trong bàng quang để khám mặt trong của bàng quang. Trong quá trình làm thủ thuật này các bệnh nhân sẽ được gây mê. Bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ tổ chức qua nội soi bàng quang và các nhà giải phẫu bệnh sau đó sẽ xem tổ chức này dưới kính hiển vi. Việc lấy mảnh nhỏ tổ chức để tìm tế bào ung thư được gọi là sinh thiết, trong nhiều trường hợp sinh thiết là cách chắc chắn nhất để khẳng định có bị ung thư hay không. Trong một số ít các trường hợp bác sĩ có thể lấy bỏ toàn bộ vùng bị ung thư trong quá trình sinh thiết, đối với những bệnh này sinh thiết vừa để chẩn đoán vừa có tác dụng điều trị.

GIAI ĐOẠN UNG THƯ BÀNG QUANG

Khi chẩn đoán ung thư bàng quang, các bác sĩ cần phải chẩn đoán giai đoạn của bệnh để có kế hoạch điều trị tốt nhất. Đánh giá giai đoạn một cách cẩn thận xem liệu ung thư đã xâm lấn vào thành bàng quang hay chưa, đã lan tràn chưa và lan tràn đến cơ quan nào.

Các bác sĩ có thể xác định giai đoạn của ung thư bàng quang tại thời điểm chẩn đoán hoặc phải làm thêm một số xét nghiềm khác như chụp CT scanner, chụp cộng hưởng từ, chụp tĩnh mạch cản quang, xạ hình xương, X-quang lồng ngực. Đôi khi việc chẩn đoán chính xác giai đoạn bệnh chỉ hoàn thành sau khi phẫu thuật.

Đặc điểm đặc trưng của mỗi giai đoạn của bệnh:

Giai đoạn 0: Ung thư chỉ được tìm thấy ở trên bề mặt lớp phía trong của bàng quang. Các bác sĩ còn gọi là ung thư bề mặt hay ung thư tại chỗ.

Giai đoạn I: Ung thư được tìm thấy ở sâu dưới lớp bề mặt nhưng chưa lan tới lớp cơ của thành bàng quang.

Giai đoạn II: Ung thư lan tới lớp cơ bàng quang

Giai đoạn III: Các tế bào ung thư xâm lấn qua lớp cơ của bàng quang đến các tổ chức xung quanh bàng quang như tuyến tiền liệt (ở nam giới), tử cung, âm đạo (ở nữ).

Giai đoạn IV: Ung thư xâm lấn đến thành bụng hoặc thành của khung chậu. Các tế bào ung thư có thể lan tới các hạch lymphô hoặc những cơ quan xa bàng quang như phổi.

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ BÀNG QUANG

Rất nhiều bệnh nhân muốn tham gia vào việc quyết định các phương pháp mà họ sẽ được điều trị. Họ muốn học tất cả những gì có thể về căn bệnh này cũng như việc lựa chọn các phương pháp điều trị. Tuy nhiên sau khi biết mình bị ung thư họ sẽ cảm thấy bị sốc, bị stress và chính điều này đã gây trở ngại đối với việc nghĩ ra những câu hỏi mà họ sẽ hỏi thày thuốc. Thông thường việc liệt kê các câu hỏi ra giấy trước sẽ hữu ích hơn cho họ khi gặp các bác sĩ. Để nhớ những gì bác sĩ nói, bệnh nhân có thể ghi lại hoặc hỏi xem liệu họ có thể sử dụng băng ghi âm hay không. Một vài bệnh nhân cũng muốn nguời thân của họ hoặc bạn bè cùng đi với mình khi nói chuyện với bác sĩ, tham gia bàn luận, ghi chép hoặc cùng nghe bác sĩ giải thích.

Bác sĩ có thể giới thiệu bệnh nhân của mình tới các bác sĩ chuyên khoa khác để bệnh nhân có thể hỏi để tham khảo họ. Thông thường việc điều trị sẽ bắt đầu vài tuần sau khi có chẩn đoán xác định. Đó là thời gian giành cho bệnh nhân nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị được chọn lựa, tham khảo ý kiến của các bác sĩ khác, học thêm những kiến thức về bệnh ung thư bàng quang.

Chuẩn bị điều trị

Bác sĩ sẽ đưa ra một phương pháp điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Việc điều trị phụ thuộc vào loại ung thư bàng quang, giai đoạn bệnh, và độ của khối u( độ mô học)(độ khối u cho biết mức độ tương đồng của tế bào ung thư so với tế bào lành như thế nào, nó sẽ gợi ý về tốc độ phát triển của ung thư. Ung thư có độ thấp thường phát triển và lan tràn chậm hơn so với độ cao). Bác sĩ cũng cân nhắc đến cả các yếu tố khác như tuổi bệnh nhân, tình trạng sức khoẻ chung.

Mọi người không nhất thiết phải hỏi tất cả các câu hỏi hoặc hiểu tất cả các câu trả lời của bác sĩ ngay lập tức. Họ sẽ có nhiều cơ hội khác để hỏi lại bác sĩ về những điều chưa rõ ràng và hỏi thêm thông tin liên quan đến bệnh tật của mình.

Phương pháp điều trị:

Có nhiều phương pháp điều trị được lựa chọn đối với những bệnh nhân ung thư bàng quang như điều trị bằng phẫu thuật, tia xạ, hoá chất, sinh học. Một vài bệnh nhân có thể được điều trị bằng việc phối hợp các phương pháp này. Bác sĩ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc quyết định phương pháp điều trị và dự đoán được kết quả điều trị. Một bệnh nhân nếu muốn tham gia vào một thử nghiệm lâm sàng, một nghiên cứu phương pháp điều trị mới có thể nói với bác sĩ của mình.Thử nghiệm lâm sàng rất quan trọng đối với tất cả các giai đoạn của ung thư bàng quang.

Phẫu thuật

Là phương pháp điều trị thường được áp dụng đối với ung thư bàng quang. Việc lựa chọn phương pháp này phụ thuộc vào giai đoạn và độ của khối u. Các bác sĩ sẽ giải thích và thảo luận để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân:

+ Cắt bỏ u qua nội soi: áp dụng với những ung thư ở giai đoạn sớm (u còn ở bề mặt). Bác sĩ đưa một ống soi vào bàng quang qua niệu đạo, sau đó sử dụng một dụng cụ có dạng sợi thòng lọng nhỏ để lấy bỏ khối u và đốt những ung thư còn lại bằng dòng điện. Bệnh nhân cần ở trong bệnh viện và cần gây mê trong khi làm thủ thuật. Sau đó bệnh nhân có thể được điểu trị bằng hoá chất hoặc sinh học.

+ Cắt toàn bộ bàng quang: áp dụng với trường hợp u xâm lấn, hoặc ung thư vẫn ở bề mặt nhưng lan rộng. Phẫu thuật này bao gồm cắt toàn bộ bàng quang, nạo vét hạch lymphô gần đó, một phần niệu đạo và cả các cơ quan gần đó khi có xâm lấn tế bào ung thư như tuyến tiền liệt, túi tinh, ống dẫn tinh (ở nam), tử cung, buồng trứng, vòi trứng, một phần của âm đạo (ở nữ).

+ Cắt một phần bàng quang: áp dụng với u có độ thấp , sự xâm lấn chỉ ở một vùng của bàng quang. Trong các trường hợp ung thư đã lan ra ngoài bàng quang không thể phẫu thuật triệt căn được, các phẫu thuật vẫn tiến hành cắt bỏ bàng quang hoặc tạo một đường khác cho nước tiểu ra ngoài với mục đích chữa triệu chứng bí đái và các triệu chứng khác của ung thư. Trong những trường hợp cắt bàng quang toàn bộ, các phẫu thuật viên sẽ tạo một đường dẫn nước tiểu ra một túi đựng ở bên ngoài cơ thể, hoặc tạo ra một túi nhỏ ở bên trong cơ thể bằng một phần của ruột non. Phần “Tác dụng không mong muốn của điều trị” và phần “Phục hồi” sẽ cung cấp thêm chi tiết về quá trình này.

Điều trị bằng tia xạ – xạ trị

Đây là phương pháp điều trị trong đó người ta sử dụng những tia có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Giống như phẫu thuật, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ do đó chỉ có tác dụng diệt các tế bào ung thư tại vùng chiếu xạ.

Một số nhỏ bệnh nhân có thể điều trị bằng tia xạ trước khi phẫu thuật với mục đích thu nhỏ bớt thể tích của khối u làm cho viếc phẫu thuật sau đó dễ dàng hơn. Còn đa số các bệnh nhân khác điều trị bằng tia xạ được áp dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra xạ trị cũng được chỉ định đối với những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật.

Bác sĩ thường sử dụng 2 phướng pháp điều trị bằng tia xạ. Đó là:

Xạ ngoài: Nguời ta sử dụng một máy lớn đặt ở ngoài cơ thể và chiếu tia vào vùng có khối u. Hầu hết các bệnh nhân sẽ điều trị ngoại trú, chiếu tia 5 buổi một tuần và quá trình điều trị kéo dài 5-7 tuần. Liệu trình điều trị này giúp cho các tế bào tổ chức lành tránh được các biến chứng do quá liều gây ra. Nếu xạ trị từ ngoài kết hợp với xạ trong thì thời gian điều trị của bệnh nhân sẽ được rút ngắn lại.

Xạ trong: Các bác sĩ sẽ đặt một ống chứa các chất có hoạt tính phóng xạ vào trong bàng quang qua đường niệu đạo hoặc qua đuờng rạch ở bụng và các bệnh nhân sẽ ở vài ngày trong bệnh viện. Để bảo vệ cho những người khác khỏi bị nhiễm phóng xạ, bác sĩ có thể yêu cầu người thân không thăm bệnh nhân trong thời gian điều trị, có chăng chỉ vào thăm bệnh nhân trong khoảng thời gian ngắn khi đã cất nguồn phóng xạ vào nơi an toàn. Khi nguồn phóng xạ đã được lấy ra thì không còn phóng xạ trong cơ thể. Một số bệnh nhân khác có thể đuợc điều trị phối hợp 2 phương pháp xạ ngoài và xạ trong.

Điều trị bằng hóa chất

Đây là phương pháp điều trị trong đó sử dụng các thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, có thể sử dụng một thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau.

Đối với ung thư bàng quang còn ở bề mặt, bác sĩ sẽ đưa hoá chất vào bàng quang sau phẫu thuật lấy u qua đường niệu đạo- đây là phương pháp điều trị tại chỗ. Bác sĩ đưa một ống nhỏ qua đuờng niệu đạo vào trong bàng quang sau đó bơm thuốc vào đó. Các thuốc này sẽ giữ lại ở bàng quang trong nhiều giờ và tác động đến các tế bào của bàng quang. Thông thường bệnh nhân được điều trị mỗi tuần 1 lần kéo dài trong nhiều tuần. Đôi khi điều trị một hoặc nhiều lần trong 1 tháng kéo dàI cho tới 1 năm.

Khi ung thư đã xâm lấn vào thành bàng quang hoặc lan tới các hạch lymphô và các cơ quan khác thì phương pháp được lựa chọn là hoá chất toàn thân qua đường tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị hệ thống nghĩa là thuốc sẽ theo dòng máu tới hầu hết các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các thuốc thường được đưa vào cơ thể theo chu kỳ để các tế bào lành có thời gian phục hồi.

Trong quá trình điều trị người ta có thể chỉ điều trị bằng hoá chất hoặc hoá chất kết hợp với phẫu thuật và xạ trị. Các bệnh nhân được truyền hoá chất tại bệnh viện hoặc phòng khám tư. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào loại thuốc được sử dụng và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, tốt nhất là các bệnh nhân nên ở lại bệnh viện trong một thời gian ngắn.

Điều trị sinh học

Hay còn gọi là phương pháp điều trị bằng miễn dịch

Đây là phương pháp điều trị ung thư bàng quang trong đó sử dụng những khả năng tự nhiên của cơ thể (hệ thống miễn dịch) để chống lại tế bào ung thư. Điều trị sinh học áp dụng sau phẫu thuật lấy u qua đường niệu đạo đối với u ở bề mặt bàng quang có tác dụng ngăn cản sự phát triển trở lại của các tế bào ung thư.

Bác sĩ có thể đưa dung dịch BCG vào trong bàng quang- đây là loại dung dịch chứa các vi khuẩn sống đã giảm động lực. Các vi khuẩn này khi vào bàng quang sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Dung dịch BCG được đưa vào bàng quang thông qua một ống nhỏ và bệnh nhân sẽ phải giữ dung dịch này ở đó trong vòng 2 giờ. Việc điều trị được thực hiện mỗi tuần một lần, kéo dài trong 6 tuần lễ.

Tác dụng phụ của điều trị ung thư bàng quang

Điều trị ung thư có thể gây tổn thương các tế bào và tổ chức lành của cơ thể, trong quá trình điều trị đôi khi có thể xảy ra một số tác dụng không mong muốn. Chúng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như phương thức và quy mô của điều trị, các tác dụng phụ của người này không giống với người khác và đôi khi người ta phải thay đổi phương pháp điều trị vì các tác dụng phụ. Các bác sỹ và y tá sẽ giải thích các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị và làm thế nào để hạn chế nó.

Phẫu thuật

Vài ngày sau phẫu thuật cắt bỏ khối u qua đường niệu đạo bệnh nhân có thể xuất hiện đái máu, cảm giác khó chịu hoặc đau khi đi tiểu.

Sau khi cắt bỏ bàng quang hầu hết các bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong vài ngày đầu. Tuy nhiên, các thuốc gảm đau có thể kiểm soát được các triệu chứng này. Các bệnh nhân nên phản ánh những khó chịu của mình với các bác sỹ hoặc y tá thậm chí chỉ là những cảm giác mỏi mệt. Thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật dài ngắn rất khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi bệnh nhân.

Sau phẫu thuật cắt một phần bàng quang, bệnh nhân có thể không có khả năng giữ được nước tiểu trong bàng quang như trước đây và họ thường phải đi tiểu nhiều lần. Những triệu chứng này thường mang tính tạm thời. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân ung thư bàng quang thì hiện tượng đi tiểu nhiều lần có thể diễn ra trong thời gian dài.

Trong trường hợp phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, bệnh nhân cần một đường mới để chứa và thoát nước tiểu. Thông thường, các phẫu thuật viên sử dụng một đoạn ruột non để tạo nên một ống mới để dẫn nước tiểu. Phẫu thuật viên nối một đầu ruột với niệu quản còn đầu kia ra thành bụng có gắn với một túi để chứa nước tiểu. Phẫu thuật này được gọi là mở thông đường niệu. Trong phẫu thuật tạo hình này bệnh nhân cần tự học cách chăm sóc cho bản thân mình.

Trong một số trường hợp bác sĩ có thể sử dụng một phần của ruột non làm một túi cùng để chứa nước tiểu trong cơ thể. Túi cùng này chứa nước tiểu thay thế túi ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên sẽ nối túi cùng này với niệu quản hoặc đưa ra ngoài da. Phẫu thuật ung thư bàng quang có thể ảnh hưởng tới chức năng sinh dục, bởi vì phẫu thuật triệt căn bao gồm cả lấy bỏ tử cung và buồng trứng nên phụ nữ không thể có thai, họ thường bị mất kinh ngay sau phẫu thuật. Triệu chứng bốc hoả và một vài triệu chứng khác do mãn kinh sau phẫu thuật có thể nặng hơn so với những trường hợp mãn kinh tự nhiên. Rất nhiều phụ nữ đã sử dụng Hormon thay thế để làm giảm các triệu chứng này. Nếu phẫu thuật triệt căn lấy đi một phần âm đạo thì sẽ gây khó khăn khi giao hợp.

Trước đây, hầu hết nam giới đều bị bất lực sau phẫu thuật triệt căn nhưng cho đến nay do có sự tiến bộ về phẫu thuật nên biến chứng này có thể kiểm soát được. Những trường hợp cắt bỏ tiền liệt tuyến và bán phần bàng quang sẽ không còn tinh dịch nữa vì vậy họ không đạt được khoái cảm. Những trường hợp mong muốn có con nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh để sau này có thể sử dụng.

Nói chung các bệnh nhân ung thư bàng quang thường lo lắng về ảnh hưởng của phẫu thuật đối với khả năng tình dục. Bệnh nhân có thể hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và thời gian kéo dài của chúng. Điều này có thể giúp cho bệnh nhân và bạn tình của họ chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau trong và sau khi điều trị.

Xạ trị

Các tác dụng phụ của xạ trị phụ thuộc vào liều liều lượng và vùng cơ thể bị chiếu xạ. Bệnh nhân thường mệt mỏi trong quá trình điều trị đặc biệt là vài tuần sau khi bắt đầu điều trị. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi nhưng cũng nên vận động trong khả năng cho phép.

Xạ ngoài có thể gây biến chứng cháy da vùng chiếu xạ. Bệnh nhân thường rụng lông, da đỏ khô, nứt và ngứa. Các tác dụng phụ này chỉ mang tính tạm thời và bác sĩ nên gợi ý cách làm thế nào để hạn chế chúng. Xạ trị vào ổ bụng có thể gây nôn, buồn nôn,ỉa chảy, rối loạn tiểu tiện. Trong những trường hợp trên bác sĩ nên dùng thuốc để giảm nhẹ các triệu trứng này.

Xạ trị có thể gây giảm bạch cầu- đây là loại tế bào có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Nếu số lượng bạch cầu thấp, các bác sĩ và y tá nên hướng dẫn bệnh nhân cách phòng tránh nhiễm khuẩn. Bệnh nhân cũng nên ngừng điều trị cho tới khi số lượng bạch cầu trở về mức bình thường. Bác sĩ sẽ kiểm tra công thức máu một cách thường xuyên và thay đổi lịch trình điều trị khi cần thiết.

Điều trị tia xạ đối với ung thư bàng quang có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt tình dục ở cả nam và nữ. Phụ nữ có thể bị khô âm đạo, còn nam giới có thể không đạt được trạng thái cương cứng.

Mặc dù tác dụng phụ của xạ trị có thể làm cho bệnh nhân lo lắng nhưng bác sĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được chúng, trong hầu hết các trường hợp các tác dụng này chỉ mang tính tạm thời.

Hóa trị

Tác dụng phụ do hoá chất chủ yếu phụ thuộc vào loại thuốc, liều luợng , đường đưa thuốc vào cơ thể cũng như là cách thức điều trị. Các tác dụng phụ cũng rất khác nhau giữa người này và người khác.

Các thuốc chống ung thư khi ở trong bàng quang có thể gây kích ứng, khó chịu hoặc chảy máu. Các hiện tưọng trên kéo dài vài ngày sau khi điều trị. Một vài thuốc có thể gây sưng rộp khi tiếp xúc với da hoặc bộ phận sinh dục.

Hoá chất hệ thống có ảnh hưởng lớn tới sự phân chia tế bào của cơ thể đặc biệt là các tế bào máu. Đây là các tế bào có tác dụng chống lại nhiễm trùng, giúp hình thành cục máu đông và mang oxy tới tất cả các bộ phận khác nhau của cơ thể. Khi các thuốc chống ung thư gây phá huỷ các tế bào máu, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, xuất hiện vết thâm tím, dễ chảy máu và làm cho cơ thể mệt mỏi. Các tế bào nang lông và các tế bào biểu mô ống tiêu hoá là những tế bào phân chia nhanh, dễ bị tác dụng của hoá chất, do đó bệnh nhân dễ bị rụng tóc, chán ăn, nôn, buồn nôn, loét miệng. Thông thường các tác dụng này sẽ mất đi ở giai đoạn phục hồi giữa các lần điều trị hoặc sau khi kết thúc điều trị.

Các thuốc điều trị ung thư bàng quang có thể gây tổn thương thận, chính vì vây trong quá trính điều trị nên bù nhiều dịch cho bệnh nhân. Các y tá có thể truyền dịch trước và trong khi điều trị, bên cạnh đó bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước trong quá trình điều trị.

Ngoài ra các thuốc chống ung thư cũng có thể gây ngứa đầu ngón tay, ù tai hoặc nghe kém. Những triệu chứng này sẽ mất đi sau khi ngừng điều trị.

Điều trị sinh học

BCG có thể gây kích ứng bàng quang, bệnh nhân có thể cảm giác mót đái, đái rắt, đau khi đi tiểu. Họ có thể cảm thấy mỏi mệt đôi khi bị đái máu, buồn nôn, sốt nhẹ hoặc ớn lạnh.

DINH DƯỠNG BỆNH NHÂN

Các bệnh nhân cần nuôi dưỡng tốt trong quá trình điều trị, họ cần có đủ calo và protein để duy trì cân nặng, sức khoẻ. Chế độ dinh dưỡng tốt thường giúp bệnh nhân khoẻ mạnh hơn

Tuy nhiên bệnh nhân khó có thể ăn uống tốt bởi vì các biến chứng do điều trị gây nên như chán ăn, nôn, buồn nôn, mệt mỏi.

Các bác sỹ điều trị, bác sỹ dinh dưõng và những người chăm sóc bệnh nhân có thể đưa ra một chế độ ăn uống hợp lý. Bệnh nhân và người nhà có thể tham khảo cuốn (Hướng dẫn ăn uống cho bệnh nhân ung thư).

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Phục hồi chức năng là một phần quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân ung thư. Đội ngũ chăm sóc sức khoẻ cần phải nỗ lực hết sức để đưa bệnh nhân trở về với cuộc sống bình thường một cách tốt nhất.

Những bệnh nhân được mở thông đường niệu cần phải học cách tự chăm sóc cho bản thân. Bác sỹ phẫu thuật và y tá có thể hướng dẫn họ việc này. Những người chăm sóc cho bệnh nhân có thể thăm bệnh nhân trước phẫu thuật để hỏi ý kiến các chuyên gia về việc chăm sóc bệnh nhân. Sau đó họ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tự chăm sóc mình cũng như chăm sóc lỗ mở thông. Họ cũng có thể nói chuyện với các bệnh nhân về cảm xúc, sinh lý, tình dục.

THEO DÕI

Việc theo dõi chăm sóc bệnh nhân sau điều trị đóng vai trò rất quan trọng vì ung thư bàng quang rất dễ tái phát tại chỗ hoặc các phần khác của cơ thể. Chính vì vậy, các bệnh nhân ung thư bàng quang nên hỏi các bác sỹ về các triệu chứng của tái phát.

Đối với trường hợp cắt bỏ một phần bàng quang hoặc lấy u qua đường niệu đạo, bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu của ung thư như tìm tế bào máu trong nước tiểu, chụp Xquang và các xét nghiệm khác.

Các bệnh nhân không nên ngần ngại trao đổi với bác sỹ về các dấu hiệu bất thưòng ngay khi chúng vừa xuất hiện giữa các đợt kiểm tra, để bác sỹ có thể phát hiện và điều trị kịp thời.

HỖ TRỢ BỆNH NHÂN UNG THƯ BÀNG QUANG

Để sống chung với một căn bệnh như ung thư không dễ dàng chút nào. Rất nhiều bệnh nhân ung thư cần sự giúp đỡ cả về mặt tinh thần và thể xác. Nhóm hỗ trợ sẽ làm công việc này. Các bệnh nhân và người nhà có thể cùng nhau chia sẻ những gì mà họ đã học được để đương đầu với căn bệnh này và các biến chứng do điều trị gây ra.

Những bệnh nhân ung thư có thể lo lắng về gia đình, công việc, các hoạt động hàng ngày, tác dụng phụ của điều trị cũng như vấn đề viện phí. Các bác sỹ , y tá và đội chăm sóc sẽ giải đáp các thắc mắc về điều trị, công việc và các hoạt động khác. Bệnh nhân có thể gặp gỡ và trao đổi những khó khăn của mình với các nhà hoạt động xã hội, những người tư vấn. Thông thường các nhà hoạt động xã hội sẽ tìm kiếm các nguồn lực để giúp đỡ bệnh nhân về mặt tài chính, phục hồi chức năng, hỗ trợ về mặt tinh thần, đi lại cũng như việc chăm sóc tại nhà .

TRIỂN VỌNG CỦA NGHIÊN CỨU UNG THƯ

Các bác sĩ ở tất cả các quốc gia đang tiến hành nghiên cứu các thử nghiệm lâm sàng đối với các bệnh nhân tự nguyện để tìn ra phương pháp điều trị bệnh ung thư bàng quang và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh. Những nhà nghiên cứu đã thu được những kết quả khả quan và họ vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu về căn bệnh này.

Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu là những người đầu tiên hưởng lợi từ các phương pháp điều trị mới. Họ đóng một phần quan trọng đối với khoa học y học, nhờ đó mà các bác sĩ hiểu biết nhiều hơn về bệnh tật. Mặc dù các thử nghiệm lâm sàng đôi khi có thể có những rủi ro nhưng các nhà nghiên cứu sẽ làm rất nhiều bước để bảo vệ các bệnh nhân của mình.

Các bác sĩ có thể nghiên cứu về điều trị phẫu thuật, tia xạ, hoá chất hoặc sinh học cũng như sự kết hợp của các phương pháp trên. Ngoài ra còn có các nghiên cứu về điều trị quang động học. Trong phương pháp điều trị này các thuốc được sử dụng chỉ có tác dụng khi bị chiếu ánh sáng. Sau khi các tế bào ung thư hấp thụ thuốc, bác sĩ sẽ chiếu một loại tia đặc biệt bào trong bàng quang thông qua ống nội soi. Khi đó các thuốc bắt đầu hoạt động và tiêu diệt các tế bào ung thư .

Các bác sĩ cũng đang tiến hành nghiên cứu về khả năng phòng tái phát sau điều trị ung thư bàng quang bằng việc dùng liều cao các vitamin và một số loại thuốc khác.

Nguồn: Bệnh viện K trung ương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *