PGS.TS Hà Phan Hải An hướng dẫn điều trị nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay viêm đường tiết niệu là hiện tượng nhiễm trùng tại hệ thống bài tiết nước tiểu. Khi nhiễm trùng chỉ xảy ra ở bàng quang người bệnh thường thấy đau và khó chịu. Nhưng khi nhiễm trùng lan lên thận có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Dưới đây PGS.TS Hà Phan Hải An hướng dẫn điều trị nhiễm trùng tiết niệu.

1. Một vài nét khái quát về nhiễm trùng tiết niệu

Phụ nữ thường là những người có nguy có nhiễm trùng đường tiết niệu cao nhất. Trên thực tế có tới một nửa số phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu ít nhất một lần trong đời. Thậm chí có nhiều người còn bị đến vài lần.

Cơ thể đào thải 1 phần chất cặn bã ra ngoài thông qua hệ thống đường tiết niệu, bao gồm thận niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Trong đó

  • Thận lọc các chất này ra khỏi máu.
  • Niệu quản dẫn các chất này từ thận ra bàng quang cho đến khi được đưa ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo.

Tất cả các cơ quan của hệ thống đường tiết niệu đều có thể bị nhiễm trùng. Tuy nhiên phần thấp của hệ thống đường tiết niệu, tức bàng quang và niệu đạo thường bị tổn thương nhất.

Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà người ta phân loại

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu cao: Viêm bể thận.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu thấp: Viêm bàng quang niệu đạo. 

Mặc dù sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị điển hình đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, tuy nhiên việc đầu tiên chúng ta cần thực hiện là các bước giúp giảm thiểu các nguy cơ bị nhiễm trùng.

Không phải ai cũng có các biểu hiện một cách điển hình và rõ rệt. Nhưng hầu hết người bệnh đều có một số biểu hiện nhiễm trùng tiết niệu rõ rệt:

  • Luôn có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần
  • Mỗi lần chỉ được một lượng ít nước tiểu (tiểu tắt)
  • Cảm giác bỏng rát hoặc rát khi đi tiểu (tiểu buốt)
  • Có thể có máu trong nước tiểu. Có thể là khi đi tiểu gần hết hay trong toàn bộ nước tiểu (đái máu cuối bãi hoặc toàn bãi).
  • Nước tiểu có thể có màu đục và có mùi hôi.

Ngoài ra có thể quan sát triệu chứng đặc biệt khác tùy theo phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng. 

2. Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

 – Nếu là bị viêm bể thận cấp tínhđau vùng hông lưng hoặc mạng sườn, sốt cao, có thể kèm theo có run, buồn nôn và nôn.

 – Nếu là viêm bàng quang: cảm giác tức nằng vùng bụng dưới hoặc đau tức, khó chịu vùng hạ vị, tiểu buốt, rắt và nước tiểu có mùi hôi.

 – Nếu là viêm niệu đạo: cảm giác bỏng rát khi đi tiểu, nam giới có thể thấy dịch mủ chảy ra từ dương vật.

3. Nguyên nhân nhiễm trùng tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên ở bàng quang.

Thông thường đường tiết niệu có những đặc tính để chống lại sự nhiễm trùng thông qua ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ những tác nhân vi khuẩn gây bệnh đó. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu, lưu trú và nhân lên cho đến khi gây ra nhiễm trùng thực sự. Một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn đến từ đường máu. Đại đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn gram âm gây ra, hay gặp nhất là Escherichia coli( E.coli). Ngoài ra còn do Klebsiella Proteus, Pseumodonas hoặc Enterobacter. Vi khuẩn gram ít gặp hơn. Hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virus…

Vi khuẩn có phải là nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Có vi khuẩn trong nước tiểu chưa hẳn đã bị nhiễm trùng tiết niệu. Một số người đặc biệt là người có tuổi, có thể có vi khuẩn trong nước tiểu mà không có triệu chứng của nhiễm trùng. Hiện tượng này gọi là có vi khuẩn trong nước tiểu không triệu chứng và không cần phải điều trị.

Viêm bàng quang có thể xuất hiện ở phụ nữ sau khi quan hệ tình dục. Nhưng ngay cả ở những cô gái trẻ hay những cô gái chưa quan hệ tình dục cũng có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thấp bởi vì hậu môn của phụ nữ rất gần lỗ niệu đạo. Phần lớn các trường hợp viêm bàng quang là do Escherichia coli gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường gặp trong đường tiêu hóa.

Trong trường hợp viêm niệu đạo loại vi khuẩn gây bệnh thường cũng là loại gây nhiễm trùng ở thận và bàng quang. Ngoài ra, do niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo, các bệnh lây qua đường tình dục herpes simplex, Chlamydia cũng là những nguyên nhân có thể gặp.

Đối với nam giới, thường bị nhiễm do các loại vi khuẩn thường gặp trong quá trình quan hệ tình dục. Phần lớn các nhiễm trùng ở nam giới là do lậu cầu và chlamydia .

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tiết niệu

Một số người có vẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với những người khác. Có tới một nửa số phụ nữ sẽ bị nhiễm đường tiết niệu sẽ bị nhiễm trùng bàng quang một lần nào đó trong đời.

  • Những phụ nữ có quan hệ tình dục thường dễ bị nhiễm đường tiết niệu hơn. Quan hệ tinh dục có thể làm tổn thương đường niệu đạo. Tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng đi qua đường bàng quang.
  • Những phụ nữ sử dụng màng ngăn hay các chất diệt tinh trùng để ngừa thai có nguy cơ cao hơn nữa.
  • Sau khi mãn kinh, vì thiếu Estrogen, niêm mạc âm đạo; niệu đạo và đáy bàng quang trở nên mỏng hơn. Dẫn đến dễ bị tổn thương hơn nên nhiễm trùng đường tiết niệu còn hay gặp hơn.
  • Mọi cản trở dòng nước tiểu như phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới hay sỏi thận tiết niệu.
  • Đái tháo đường và các tình trạng bệnh lý mạn tính khác gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch hay hóa chất điều trị ung thư.
  • Sử dụng ống dẫn lưu bàng quang dài ngày.
  • Thận đa nang, trào ngược bàng quang – niệu quản, các can thiệp đường tiết niệu…

Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại. Vi khuẩn có khả năng bám vào tế bào trên đường tiết niệu dễ dàng hơn nếu cơ thể thiếu các yếu tố bảo vệ có thể giúp bàng quang loại bỏ những vi khuẩn trong điều kiện bình thường. Hiện nay các nhà khoa học vẫn đang tiến hành các nghiên cứu để xác định chính xác các yếu tố tham gia vào quá trình này và nguyên nhân vì sao mà các yếu tố đó có thể khiến phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần.

4. Các bác sỹ làm thế nào để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu?

Xét nghiệm nước tiểu và cấy nước tiểu tìm vi khuẩn là các xét nghiệm giúp các bác sỹ chẩn đoán bệnh bên cạnh các triệu chứng mà người bệnh mô tả như tiểu buốt, tiểu dắt, đau bụng, đau lưng….

Trường hợp điển hình trong nước tiểu có nhiều bạch cầu (lớn hơn 5.000/ml) chủ yếu là bạch cầu đa nhân thoái hóa và có nhiều vi khuẩn (lớn hơn 100.000ml). Tuy không có test đơn giản nào có thể chẩn đoán phân biệt được nhiễm trùng đường tiết niệu thấp; nhưng kinh nghiệm cho thấy có đau hông lưng; sốt và có protein trong nước tiểu thì có khả năng nhiễm trùng ở thận.

5. Bệnh nhiễm trùng tiết niệu có nguy hiểm không?

Nếu được điều trị ngay và đúng hiếm khi nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra biến chứng. Nhưng nếu không được điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên trầm trọng và gây ra nhiều phiền toái.

Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm thận bể cấp tính hay mạn tính. Và bệnh lý gây tổn thương thận thường xuyên mạn tính. Trẻ em và những người lớn tuổi ở đây là những người có nguy cơ tổn thương thận cao nhất. Vì triệu chứng của bệnh thường bị bỏ qua hay có nguy cơ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian mang thai có nguy cơ sinh con thiếu cân hoặc đẻ non hơn.

Nhiễm trùng đường tiết niệu không đúng hoặc không đủ thời gian cấp tính, nhất là các yếu tố thuận lợi không được loại bỏ, có thể dẫn tới áp xe hóa, nhiễm trùng máu, suy thận, thậm chí tử vong. Khi trở thành bệnh lý mạn tính, hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến suy thận mạn tính.

6. Điều trị nhiễm trùng tiết niệu 

Gần đây các phác đồ điều trị nhiễm trùng tiểu mới nhất liên tục được cập nhật. Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở đây bao gồm

  • Diệt trừ những yếu tố gây bệnh.
  • Loại trừ các yếu tố thuận lợi gây bệnh nếu có.
  • Kháng sinh là lựa chọn hàng đầu cho những người nhiễm đường tiết niệu điển hình và có tình trạng sức khỏe tốt. Loại thuốc và thời gian điều trị tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, loại vi khuẩn phân lập được từ nước tiểu và vị trí nhiễm trùng.

Thuốc điều trị nhiễm trùng tiết niệu

Các loại thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiểu thông thường được hay sử dụng nhất là: nitrofurantoin, trimetoprim – sunfamethoxazol, nhóm beta – lacta-min, nhóm aminoglycosid và nhóm quinolon.

Có thể sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp tùy theo mức độ nặng của bệnh. Cần loại trừ tiền sử dị ứng với thuốc. Nhất là kháng sinh và đối với các bệnh nhân đang nằm viện thì cần có kết quả kháng sinh đồ khi quyết định phác đồ điều trị.

Thời gian điều trị nhiễm trùng tiết niệu

Thông thường các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ hết sau ít ngày điều trị. Một số trường hợp phải dùng kháng sinh dài hơn, có thể một tuần hay hơn.

Cần dùng thuốc đủ thời gian để đảm bảo sạch được vi khuẩn và hoàn toàn hết nhiễm trùng.

Đối với nhiễm trùng đường tiết niệu thấp không biến chứng và bệnh nhân có tình trạng sức khỏe tốt; có thể dùng phác đồ ngắn ngày ví dụ trong 3 ngày. Phụ nữ mang thai có thể cần thời gian điều trị dài hơn, từ 7 đến 10 ngày.

Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần. Thời gian điều trị thường kéo dài hơn. Hoặc có thể điều trị thêm nhiều đợt kháng sinh ngắn khi đã hết triệu chứng.

Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng liên quan đến quan hệ tình dục. Có thể điều trị dự phòng bằng uống một liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục.

Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng. Bệnh nhân có thể cần vào bệnh viện điều trị và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.

Nếu bệnh tái phát hoặc nhiễm trùng trở thành mạn tính. Bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa thận tiết niệu theo dõi; để tìm và xử trí các bất thường của đường tiết niệu vì đây có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng sau đó. Cần có kế hoạch điều trị và kiểm soát các biến chứng lâu dài như suy thận.

7. Dự phòng bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Các bước làm giảm nguy có nhiễm trùng đường tiết niệu nhất là đối với phụ nữ:

– Uống nhiều nước mỗi ngày.

– Không nhịn tiểu mỗi khi buồn tiểu.

– Mỗi khi tiểu tiện hay khi đại tiện cần lau từ trước ra sau. Để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo, niệu đạo.

– Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.

– Tránh kích thích niêm mạc đường sinh dục. Đặc biệt là việc dùng các loại sản phẩm xịt thơm, vòi xịt, phấn…

PGS.TS. Hà Phan Hải An

Trưởng khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Việt Đức

Giảng viên chính phân môn Thận học, Bộ môn Nội Tổng hợp – Đại học Y Hà Nội

Tạp chí Thầy thuốc Việt Nam số 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *