Những điều cần biết về Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) không phải là một bệnh mà bao gồm một nhóm các triệu chứng về rối loạn chức năng của đường tiêu hóa. Đây là hội chứng thường gặp ở hầu hết các nước trên thế giới, chiếm phần lớn ở độ tuổi dưới 45. Ngoài ra, hội chứng này gặp ở 10 – 15% người trưởng thành, trong đó nữ chiếm gấp đôi nam. Tỷ lệ này thay đổi theo từng vùng dân cư, hoàn cảnh môi trường – xã hội có ảnh hưởng đến sự phát sinh của HCRKT.

HCRKT thường khởi phát khi còn trẻ, trong đó 50% xuất hiện triệu chứng trước 35 tuổi. Nếu các triệu chứng này xảy ra lần đầu ở người trên 50 tuổi thì cần loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác của đường ruột. Dù không nguy hiểm đến tính mạng nhưng HCRKT ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Đây là tình trạng rối loạn chức năng của đường tiêu hóa, tái đi tái lại nhiều lần, và không thể giải thích bằng kết quả bất thường về cấu trúc hoặc về mô học cũng như trên xét nghiệm máu mà chỉ căn cứ trên các triệu chứng lâm sàng. Hội chứng biểu hiện bằng tình trạng đau bụng hoặc chỉ là khó chịu ở vùng bụng, kèm theo trướng hơi và rối loạn thói quen đi cầu (có thể tiêu chảy hay táo bón hoặc xen kẽ giữa hai rối loạn trên). Trước đây, HCRKT được gọi là viêm đại tràng, bệnh đại tràng co thắt, đại tràng dễ kích thích, ruột co thắt,… Hiện nay, với sự phát triển của y khoa, rối loạn này được thống nhất với tên gọi Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh: Irritable Bowel Syndrome, viết tắt là IBS).

2. Làm thế nào để nhận biết bị Hội chứng ruột kích thích?

Hệ thống tiêu chuẩn Rome III được triển khai để phân loại các rối loạn chức năng của đường tiêu hóa
Hệ thống tiêu chuẩn Rome III được triển khai để phân loại các rối loạn chức năng của đường tiêu hóa

Hệ thống tiêu chuẩn Rome III được triển khai để phân loại các rối loạn chức năng của đường tiêu hóa nhưng không thể giải thích bằng bất thường về cấu trúc hay mô học mà chỉ căn cứ trên các triệu chứng lâm sàng. Mỗi rối loạn có một bộ tiêu chuẩn riêng. Đối với HCRKT, các tiêu chuẩn Rome III bao gồm:

Các tiêu chuẩn chẩn đoán: thường gặp nhất là đau bụng (đau như bị bó chặt) hoặc cảm giác khó chịu ở bụng tái đi tái lại, sự thay đổi rõ rệt về thói quen đi cầu, xảy ra tối thiểu 6 tháng trước khi được chẩn đoán và ít nhất 3 ngày/tháng trong 3 tháng cuối, kết hợp với hai hoặc nhiều hơn các dấu hiệu sau đây:

– Đau giảm sau khi đi cầu.

– Khởi đầu cơn đau có liên quan với thay đổi số lần đi cầu (đi cầu trên 3 lần/ngày ở dạng tiêu chảy hoặc dưới 3 lần/tuần ở dạng táo bón).

– Khởi đầu cơn đau có liên quan đến sự thay đổi hình dạng (vẻ bề ngoài) của phân (phân lỏng, nát, sệt hoặc phân cứng, vón cục).

Các triệu chứng khác thường gặp sau ăn: cảm giác đi cầu không hết phân, bụng đầy hơi.

3. Phân loại Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích thường được chia làm 3 loại dựa trên tính chất thường gặp của phân và có tác động đến việc điều trị sau đó.
Đó là:

  • (1) HCRKT với táo bón chiếm ưu thế (phân cứng hay thành cục trong ít nhất 25% thời gian)
  • (2) HCRKT với tiêu chảy chiếm ưu thế (phân mềm hay lỏng trong ít nhất 25% thời gian)
  • (3) HCRKT hỗn hợp hay đan xen và không biết.

Tuy nhiên, nếu phát hiện một trong các triệu chứng như chán ăn, sụt cân, thiếu máu, sốt, tăng số lượng bạch cầu, phân nhầy máu, phân nhỏ dẹt thường xuyên, sờ thấy u ở bụng hoặc các triệu chứng này xảy ra ở người > 50 tuổi, có người thân bị ung thư đại tràng… thì cần nội soi đại tràng và kiểm tra một số xét nghiệm như thử máu, thử phân để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên, không nên kết luận vội là người bệnh bị HCRKT vì có thể bỏ sót một số bệnh nguy hiểm như viêm loét đại tràng hoặc các ung thư đường tiêu hóa…

4. Các nguyên nhân của Hội chứng ruột kích thích

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng ruột kích thích
Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng ruột kích thích

Hiện nay, chưa xác định được nguyên nhân nào gây ra HCRKT nhưng các kết quả kiểm soát cho thấy có sự kết hợp của các vấn đề thực thể và tâm thần:

  • Co bóp của ống tiêu hóa: nhu động của đại tràng có thể không bình thường, quá mạnh hoặc quá yếu, quá chậm hoặc quá nhanh.
  • Tăng nhạy cảm: ngưỡng đau giảm do ruột căng to vì phân hoặc hơi.
  • Các vấn đề về tâm thần: lo âu, suy nhược, stress sau chấn thương…
  • Nhiễm khuẩn ruột, viêm dạ dày – ruột, sau phẫu thuật (ví dụ sau cắt túi mật).
  • Phụ nữ bị HCRKT có thể triệu chứng nặng lên khi hành kinh, do các nội tiết tố sinh dục có thể làm tăng các triệu chứng của HCRKT.
  • Di truyền: HCRKT hay gặp hơn ở các gia đình có các vấn đề về tiêu hóa hoặc do môi trường, hay do nhạy cảm với các triệu chứng tiêu hóa.
  • Nhạy cảm với thức ăn: do ăn carbohydrate, đồ gia vị, mỡ, cà phê, rượu. Do hấp thụ kém đường và các acid mật…
  • Các thuốc quy ước: kháng sinh, steroids, kháng viêm… có thể gây ra HCRKT.

5. Hội chứng ruột kích thích điều trị như thế nào?

Người bệnh bị HCRKT dễ có tình trạng tăng nhu động ruột nhiều hơn so với người bình thường, các triệu chứng thường tái đi tái lại, kéo dài nhiều năm. Người bệnh thường đi khám bệnh nhiều nơi, tâm lý luôn ngờ vực, lo lắng sợ bệnh nặng, bệnh ác tính. Nhân viên y tế cần giải thích và tư vấn kỹ hơn về HCRKT, giúp người bệnh giảm đi sự lo lắng từ các triệu chứng của bệnh lý.

Một số lưu ý khi điều trị HCRKT:

Việc điều trị thường tập trung giải quyết các triệu chứng nổi trội ở từng người bệnh. Dù kết quả điều trị không làm dứt hẳn triệu chứng nhưng sẽ cải thiện tốt hơn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các triệu chứng lâm sàng có thể giảm hoặc biến mất sau điều trị nhưng rất dễ tái phát. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh mà chỉ sử dụng khi có nhiễm khuẩn ruột và chỉ định của bác sĩ.

Chế độ ăn rất quan trọng trong điều trị HCRKT

– Thông thường, người bệnh có thể nhận biết các loại thức ăn nào “không hợp” với mình (thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, sữa tươi, nhiều gia vị và chất kích thích…). Khi đang có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nên tránh ăn các thức ăn, nước uống không thích hợp với mình. Tuy nhiên, không nên kiêng cữ quá mức vì có thể dẫn đến chán ăn, sụt cân, suy dinh dưỡng và mệt mỏi.
– Hạn chế sử dụng các loại thức ăn khó tiêu, dễ sinh hơi như khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả có nhiều đường (cam, quýt, xoài, mít…), thức uống nhiều đường và có gas, chất kích thích (rượu, cà phê, chua…), thức ăn để lâu, bảo quản không tốt. Nếu có tiêu chảy cần
tránh ăn nhiều thức ăn có chất xơ (rau muống, rau cải, dưa…).

Chế độ luyện tập rất cần thiết, phải kiên trì

Thể dục giúp nâng cao sức khỏe
Thể dục giúp cải thiện tốt các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

– Luyện tập chế độ đi cầu một lần trong ngày. Buổi sáng sau khi thức dậy, uống ly nước đầy và xoa bụng theo chiều kim đồng hồ 10 phút để kích thích phản xạ đi cầu.
– Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên.

Các thuốc điều trị triệu chứng: 

– Uống theo hướng dẫn trong toa, không tự ý sử dụng thuốc lâu dài.

– Giảm đau, chống co thắt: Mebeverine, Trimebutine, Hyoscine…

– Chống táo bón: uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chứa chất xơ, thuốc nhuận tràng.

– Chống tiêu chảy: loperamide, các chất băng tráng niêm mạc ruột…

– Chống sinh hơi: than hoạt, simethicone, các men vi sinh đường tiêu hóa…

– Thuốc an thần kinh và chống trầm cảm: trong trường hợp người bệnh mất ngủ, quá lo lắng, trầm cảm…
(*) Chú thích: Trong các nghiên cứu sinh lý bệnh và thử nghiệm lâm sàng, người ta khuyến cáo chọn các đối tượng khi tầm soát đánh giá có tần số cơn đau hoặc khó chịu ở bụng ít nhất là 2 ngày trong mỗi tuần.

BS CKI. Trịnh Thị Thanh Thuý 

Khoa Tiêu hoá- Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *