Mất cân bằng pH âm đạo và viêm nhiễm phụ khoa

1. Tình trạng Viêm nhiễm phụ khoa thường gặp ở Việt Nam

Viêm nhiễm phụ khoa là từ dùng để chỉ chung cho nhóm bệnh lý viêm nhiễm liên quan đến cơ quan sinh dục nữ bao gồm:

– Các bệnh viêm nhiễm cơ quan sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo, cổ tử cung)

– Các viêm nhiễm cơ quan sinh dục trên (tử cung, vòi trứng, buồng trứng…)

Đây là bệnh lý phổ biến gặp ở hơn 90% nữ giới trong độ tuổi sinh sản nhất là nhóm phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã phát sinh quan hệ tình dục. Tuy nhiên cũng có tỷ lệ không nhỏ khoảng 15-20% chị em phụ nữ chưa quan hệ tình dục mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.

Theo nhiều số liệu thống kê trong các nghiên cứu kể từ 2004 thì tỷ lệ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa gia tăng đột biến trong đó điều đáng nói là có tới 70% phụ nữ có tri thức và thu nhập cao mắc bệnh. Điều này cho thấy bệnh có thể gặp ở mọi phụ nữ không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn.

Biểu hiện của bệnh khá đa dạng và khác nhau ở từng người và vị trí viêm nhiễm. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm: khó chịu, ngứa, đau rát, vùng kín có mùi hôi, khí hư nhiều và có màu bất thường… Bệnh thường diễn biến kéo kéo dài, hay tái phát và tiến triển thành viêm mạn tính nếu không được điều trị triệt để. 

Là bệnh thầm kín khiến nhiều chị em khi mắc bệnh thường có tâm lý ngại đi khám dẫn đến bệnh tiến triển nặng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như viêm teo vòi trứng, viêm lộ tuyến cổ tử cung, gây vô sinh…

Viêm nhiễm phụ khoa không chỉ khiến phụ nữ thiếu tự tin trong giao tiếp mà còn tác động tiêu cực tới đời sống hôn nhân gia đình. Vì vậy phát hiện sớm và điều trị dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa thực sự là mối quan tâm của nhiều phụ nữ. 

  2. Nguyên nhân và những thói quen gây ra viêm nhiễm phụ khoa

Viêm nhiễm phụ khoa có thể bắt nguồn từ nhiều thói quen trong cuộc sống cũng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác. Trong nhiều báo cáo khoa học đề xuất một số yếu tố nguy cơ và tác nhân gây viêm

  • Khí hậu Việt Nam nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoạt động nhất là vi khuẩn vùng âm đạo.
  • Thói quen sử dụng quần lót chật, chất liệu không thoáng khí.
  • Thói quen thụt rửa sâu vào trong âm đạo
  • Thói quen ăn uống sinh hoạt không khoa học, stress, sự thay đổi môi trường sống đột ngột…
  • Sử dụng các dung dịch vệ sinh không đảm bảo chất lượng hoặc không phù hợp với cơ địa.
  • Vệ sinh vùng kín chưa đúng cách nhất là trong chu kỳ kinh nguyệt. 
  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Có tiền sử nạo, hút thai, sảy thai hoặc các can thiệp phẫu thuật vùng sinh dục…
  • Mất cân bằng nội tiết tố
  • Mất cân bằng pH âm đạo và hệ vi sinh vật âm đạo 
  • Mắc các bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, các bệnh suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém, dùng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh…

3. Hậu quả của việc mất cân bằng độ pH dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa

3.1. pH âm đạo và mối liên quan đến các bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Bình thường môi trường âm đạo có tính hơi acid, pH âm đạo dao động từ 3.8 đến 4.5 kèm theo đó có hệ vi khuẩn phong phú bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại ở trạng thái cân bằng. Sở dĩ pH âm đạo ở ngưỡng acid là do Lactobacilli – một loại vi khuẩn trong hệ vi khuẩn âm đạo giải phóng hydro peroxide và acid lactic. Chính pH acid này làm môi trường vùng âm đạo chống lại được nhiều loại vi khuẩn có hại, nấm và nhiều tác nhân gây bệnh khác. 

PH âm đạo có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của một người. Theo độ tuổi thì ngưỡng pH sinh lý:

  • pH > 4.5 gặp ở bé gái chưa dậy thì và phụ nữ sau khi mãn kinh. 
  • pH âm đạo < 4.5 ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Khi môi trường vùng âm đạo có độ pH tăng lên (tức là giảm tính acid) sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có hại, nấm phát triển và gây viêm âm đạo, viêm phần phụ ở phụ nữ. 

Khi pH âm đạo càng acid thì có thể bạn sẽ ít nguy cơ bị viêm nhiễm phụ khoa tuy nhiên ngưỡng pH càng acid cũng gây ra những vấn đề trở ngại liên quan đến khả năng sinh sản nhất là khi pH< 3.8

Chính bởi pH âm đạo ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản và các bệnh lý phụ khoa mà việc đảm bảo cân bằng pH âm đạo trở nên đặc biệt quan trọng với nữ giới.

3.2 Những nguyên nhân phổ biến gây mất cân bằng pH âm đạo

  • Chu kỳ kinh nguyệt: Máu kinh nguyệt có tính kiềm vì vậy trong thời gian hành kinh pH âm đạo thường tăng lên và lớn hơn 4.5. Đây là sự thay đổi sinh lý của cơ thể. Thời kỳ này việc vệ sinh vùng kín đúng cách là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát và hạn chế viêm nhiễm phụ khoa.
  • Một số bệnh nhiễm trùng đường sinh dục: mất cân bằng pH âm đạo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn có hại ở âm đạo hoạt động mạnh gây viêm âm đạo. Đồng thời viêm âm đạo do vi khuẩn cũng làm mất cân bằng pH âm đạo tạo nên vòng xoáy bệnh lý.
  • Sử dụng kháng sinh: Trong các trường hợp bị nhiễm trùng ở một cơ quan hay bộ phận nào đó bạn phải sử dụng kháng sinh trong thời gian dài. Một số loại kháng sinh có thể đồng thời tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi trong âm đạo gây mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo. Các vi khuẩn có lợi trong âm đạo thường có tác dụng tạo ra tính acid của môi trường âm đạo như Lactobacilli…
  • Tinh dịch: Tinh dịch thường có độ pH > 7. Trong quá trình quan hệ tình dục, khi tinh dịch được đưa vào âm đạo sẽ làm thay đổi pH âm đạo tạm thời.
  • Thụt rửa âm đạo: Theo nhiều khảo sát có khoảng 20% phụ nữ sử dụng các dung dịch vệ sinh để thụt rửa sâu vào âm đạo nhằm giảm mùi âm đạo. Các hỗn dịch được dùng phổ biến có thể là giấm, baking soda hoặc nước muối… Tuy nhiên việc này có thể khiến các vi khuẩn có lợi ở âm đạo bị rửa trôi dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh âm đạo gián tiếp gây ra mất cân bằng pH âm đạo. Bên cạnh đó độ pH của các dung dịch rửa nếu không ở mức pH tương tự với môi trường âm đạo cũng sẽ khiến pH ở âm đạo bị ảnh hưởng.
  • Mất cân bằng nội tiết tố nữ: Nồng độ estrogen giảm nhất là ở phụ nữ mãn kinh có thể khiến pH âm đạo tăng lên. Nhiều chuyên gia  nhận thấy phụ nữ thời kì mãn kinh có pH âm đạo cao hơn. Trong một số nghiên cứu, phụ nữ mãn kinh có pH trung bình khoảng 5.3. 

4. Các biện pháp giữ cân bằng PH và hệ vi sinh vật trong âm đạo để tránh viêm nhiễm

Để duy trì trạng thái cân bằng của pH âm đạo cũng như môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi ở âm đạo hoạt động tốt bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Tránh sử dụng các sản phẩm có tính kiềm (xà phòng) để vệ sinh vùng kín và thụt rửa âm đạo. Xà phòng thường có độ pH cao và sử dụng chúng để làm sạch khu vực âm đạo có thể làm tăng pH âm đạo. Tốt nhất là sử dụng nước ấm và chất tẩy rửa nhẹ nhàng để làm sạch âm hộ nhưng không sử dụng xà phòng bên trong âm đạo. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng pH âm đạo.
  • Dùng bổ sung men vi sinh hoặc thuốc viên đặt. Probiotic giúp phục hồi mật độ vi khuẩn tự nhiên của cơ thể. Một số thực phẩm cũng chứa men vi sinh, bao gồm sữa chua, miso và kombucha. Một số sản phẩm viên đặt âm đạo có bổ sung thêm các lợi khuẩn nhất là Lactobacilli…
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên. Để một tampon trong quá lâu có thể làm tăng pH âm đạo vì độ pH của máu thường >7. Thay đổi băng vệ sinh thường xuyên ít nhất 3 lần/ngày trong thời kì hành kinh cũng làm giảm nguy cơ nhiễm trùng vi khuẩn… Nên vệ sinh vùng kín trước khi thay băng vệ sinh.
  • Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục . Sử dụng bao cao su trong quan hệ tình tình dục không chỉ giúp tránh thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mà còn có thể ngăn ngừa tinh dịch và các chất lỏng khác ảnh hưởng đến mức độ pH trong âm đạo.
  • Bổ sung estrogen ở những phụ nữ bị thiếu hụt.
  • Sử dụng nguồn nước sạch để vệ sinh vùng kín.
  • Nên đi khám bác sỹ để được tư vấn vấn chuyên sâu khi có các dấu hiệu như ngứa vùng kín, ra khí hư có màu bất thường và hôi, đau rát khi đi vệ sinh…

5. Những lưu ý sử dụng viên đặt khi bị viêm nhiễm phụ khoa

Viên đặt âm đạo hiện đang đem lại nhiều lợi ích trong điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý trong quá trình sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

  • Không tự ý sử dụng thuốc đặt phụ khoa khi không có chỉ định từ bác sỹ chuyên khoa. 
  • Việc sử dụng viên đặt cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của bác sỹ về liều lượng, thời gian dùng, loại thuốc…
  • Trong thời gian sử dụng thuốc đặt cần kiêng quan hệ tình dục, không nên sử dụng dụng thuốc đặt trong thời gian hành kinh.
  • Đảm bảo vệ sinh tay sạch sẽ và vệ sinh vùng kín đúng cách
  • Nên sử dụng viên đặt vào ban đêm. Sau khi đặt thuốc nên hạn chế vận động. Trường hợp sử dụng viên đặt ban ngày thì nên để thuốc ngấm vào âm đạo trước khi ngồi dậy hoặc đi lại sinh hoạt.
  • Do khi đặt thuốc có thể gây tình trạng chảy dịch nên có thể sử dụng quần lót giấy hoặc băng vệ sinh hàng ngày và thay băng thường xuyên.
  • Nên tái khám theo yêu cầu của bác sỹ điều trị sau khi kết thúc liệu trình đặt thuốc.

BS Uông Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *