Liên nhục – Hạt sen công dụng đối với sức khỏe

 

Liên nhục (hạt sen) không đơn thuần là một loại thực phẩm mà nó còn là một vị thuốc quan trọng trong y học cổ truyền. Ngày nay khi mà nhiều nước phương Tây đề cao các liệu pháp trị liệu có nguồn gốc tự nhiên thì vai trò của hạt sen trong nền y học càng được nâng cao với nhiều ứng dụng trong hỗ trợ giảm cân, an thần, chống viêm, chống khối u…

Liên nhục (liên tử) – Hạt sen có những loại nào?

Liên nhục làm thuốc chủ yếu có nguồn gốc từ Sơn Đông, Giang Tô, Hà Nam của Trung Quốc. Hạt sen để ăn và ẩm thực thì tại Việt Nam có sen Huế nổi tiếng với vị thơm, ngon, bùi. Ngày nay sen Việt Nam cũng dùng nhiều trong làm thuốc để thay thế dần nguồn dược liệu nhập khẩu.

Mặc dù hạt sen không còn xa lạ với mọi người nhưng có lẽ ít ai biết hạt sen dùng trong làm thuốc có nhiều loại.

Liên tử nói chung có tác dụng dưỡng tâm, an thần, kiện tỳ, bổ thận.

bạch liên tử

Bạch liên tử:

Loại hạt sen trắng mà mọi người vẫn dùng dưới dạng tươi hoặc khô. Công dụng thiên về kiện tỳ là chính. Khi chín vị bùi, ngọt nhẹ, thơm dịu

hồng liên tử

Hồng liên tử:

Sắc hồng, cứng hơn bạch liên tử, khó chín hơn, ăn có vị chát hơn bạch liên nhưng công dụng bổ thận, bổ máu mạnh hơn bạch liên tử nhiều. Xét về mặt dinh dưỡng thì Hồng liên tử và Bạch liên tử không có khác biệt nhiều. Hồng liên tử được thu hoạch vào mùa thu khi sen chín, người ta chỉ bỏ vỏ và phơi khô nên có màu đỏ. Khác với Bạch liên tử là bỏ vỏ, bỏ cả lớp lụa ngoài sát với phần thịt sen.

thạch liên tử

Thạch liên tử:

Vào mùa thu hoạch hạt sen (khoảng tháng 10), trong quá trình thu hoạch, có nhiều hạt sen già bị rơi xuống bùn, ngâm trong bùn lâu mà không bị hỏng. Người ta đi mò những hạt sen này, chúng có màu đen, khi thử thả vào nước lọc sen chìm, thả vào nước muối sen nổi thì đạt tiêu chuẩn, vớt ra phơi khô gọi là Thạch liên tử. Thạch liên tử có tác dụng thanh tâm trừ phiền, khai vị tiến thực. Chủ trị cấm khẩu lỵ, lâm trọc, tâm phiền thất miên…

Thành phần dinh dưỡng của hạt sen

Theo USDA , một khẩu phần hạt sen thô 1 ounce (28.3495 grams) chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • 25,2 calo
  • 1,17 gam protein
  • 0,15 gam chất béo
  • 4,9 gam carbohydrate

Thành phần dinh dưỡng của hạt sen cũng bao gồm một lượng không đáng kể các vitamin và khoáng chất, bao gồm canxi, sắt, kali, magiê và kẽm.

Không giống như nhiều loại hạt, hạt sen không phải là nguồn cung cấp chất béo hoặc axit béo đáng kể. Các loại hạt thường được cho là nguồn axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật. Tuy nhiên, sự thật về dinh dưỡng của hạt sen chỉ ra rằng loại thực vật này chứa nhiều carbohydrate và protein hơn là chất béo. Ít chất béo, ít calo là nguyên do lý giải việc ngày nay người ta ứng dụng hạt sen trong dinh dưỡng giảm cân.

Tác dụng của hạt sen

Theo y học cổ truyền

Đông y có câu “nhất liên xuất cửu dược” ý chỉ từ 1 cây sen có thể cho ra 9 vị thuốc. Từ hoa sen (liên hoa, hà hoa), củ sen (hà đế), cuống sen (hà cánh), lá sen (hà diệp), ngó sen (liên ngẫu), hạt sen (liên tử – liên nhục), tâm sen (liên tâm), tua sen (liên tu), gương sen (liên phòng) đều có thể làm thuốc. Trong số đó liên nhục (liên tử) – hạt sen là quen thuộc nhất và được sử dụng rộng rãi không chỉ trong làm thuốc mà còn trong ẩm thực.

Theo y học cổ truyền Liên nhục có vị ngọt, tính ôn, sáp. 3 công dụng chính là bổ tỳ, sáp trường, cố tinh. Trong y văn cổ, liên nhục bổ khí, dưỡng tâm, dưỡng thận, an thần, cường tỳ, dưỡng vị,… thường dùng điều trị chứng tâm thận bất giao, lao thương bạch trọc… Ngoài ra liên nhục sáp tinh khí, trừ hàn nhiệt, trị tỳ tiết cửu lị, phụ nữ băng đới, người suy nhược hoặc phụ nữ sau sinh tỳ vị hư yếu, bứt rứt, mất ngủ hay mộng mị , ăn không ngon, phụ nữ khí huyết kém, đau lưng, nam di tinh , tiểu đêm nhiều do thận khí suy (tiểu đêm ở người già, đái dầm ở trẻ nhỏ)…

Theo y học hiện đại

Cây sen và hạt của nó thường được tiêu thụ và sử dụng cho mục đích y học ở nhiều quốc gia ở Châu Á. Nó đang ngày càng phổ biến ở những nơi như Úc và Mỹ, nơi có mối quan tâm chớm nở về thuốc/thực phẩm thay thế cùng các đặc tính chữa bệnh của các loại cây khác nhau.

– Tác dụng chống viêm, chống oxy hóa

  • Theo một nghiên cứu tháng 6 năm 2016 được công bố trên tạp chí Frontiers in Plant Science , toàn bộ cây sen đều có thể ăn được và có lợi cho sức khỏe, nhưng lợi ích của hạt sen là đặc biệt đáng chú ý. Nghiên cứu chỉ ra rằng hạt sen được biết đến với hàm lượng cao flavonoid và alkaloid. Các chất chuyển hóa này có khả năng chống oxy hóa, chống hay quên, chống viêm và các hoạt động chống khối u.

– Tác dụng giảm béo

  • Hạt sen có nhiều tiềm năng được phát triển như một tác nhân hữu hiệu chống lại các bệnh liên quan đến béo phì nhờ khả năng ức chế tích tụ lipid, ức chế sự biệt hóa của tế bào tiền mỡ thành tế bào mỡ, giảm trọng lượng mô mỡ, giảm lipid máu, giảm đáng kể sự tăng trọng của cơ thể.

– Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư

  • Trong một nghiên cứu tháng 11 năm 2016 được công bố trên tạp chí Molecules , các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hạt sen có tác dụng ức chế đáng kể tế bào ung thư ở cả mô hình người và động vật. Các nhà nghiên cứu tin rằng hạt sen có thể được sử dụng để kiểm soát các khối u ung thư.

– Tác dụng hạ huyết áp

  • Các nghiên cứu khác cho thấy rằng các nghiên cứu trong tương lai về hạt sen được đảm bảo khi xem xét tiềm năng của chúng như một loại thực phẩm chữa bệnh. Một nghiên cứu tháng 11 năm 2016 được công bố trên Tạp chí Thuốc tự nhiên Trung Quốc cho thấy rằng các chất ancaloit trong hạt sen có thể làm giảm huyết áp.

– Tác dụng cải thiện giấc ngủ

  • Hạt sen cùng với táo đỏ và một số vị thuốc đông y khác cũng được các nhà khoa học Hàn Quốc nghiên cứu và tái khẳng định công dụng hỗ trợ và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Cách dùng – Liều dùng

Có một số bài thuốc cổ phương nổi tiếng mà hạt sen là một thành phần quan trọng được biết đến nhiều nhất là

  • Sâm linh bạch truật tán giúp bổ khí, kiện tỳ, trừ thấp, chỉ tả. Chủ trị tiêu hóa kém, hay bị tiêu chảy mãn tính, đại tiện phân nát, trẻ em suy dinh dưỡng…
  • Quy tỳ thang ích khí kiện tỳ, bổ huyết dưỡng tâm. Chủ trị ăn kém, mệt mỏi, da xanh xao, thiếu máu, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, rối loạn nhịp tim…
  • Thanh tâm liên tử ẩm là bài thuốc chứa Liên nhục điều trị các bệnh lý hệ tiết niệu và các rối loạn của cơ quan sinh sản như sỏi tiết niệu, viêm thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt,…
  • Kim tỏa cố tinh hoàn cố thận sáp tinh. Chủ trị các bệnh như tiểu nhiều lần, nước tiểu đục, di tinh…

Ngoài dùng trong các bài thuốc, hạt sen có thể được dùng dưới nhiều cách trong ẩm thực vẫn giữ được tác dụng bảo vệ sức khỏe như:

  • Sữa hạt sen
  • Bánh hạt sen
  • Mứt sen
  • Sen hầm canh
  • Chè sen
  • Xôi sen

Lưu ý khi sử dụng

Do hạt sen có tính sáp nên người bị táo bón mạn tính không nên dùng hạt sen đơn độc. Người dễ đầy bụng cũng nên thận trọng khi sử dụng. Có thể phối hợp với các vị thuốc khác khi sử dụng.

Hạt sen nếu thỉnh thoảng dùng trong ẩm thực thì không sao nhưng nếu dùng để làm thuốc điều trị thì nên tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.

BS Uông Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *