12 cách chữa cảm lạnh tại nhà

Cảm lạnh là bệnh lý rất thường gặp. Cũng không phải bệnh chỉ gặp vào mùa thu đông, mùa hè bạn cũng vẫn có thể bị cảm lạnh. Bệnh không nguy hiểm nhưng lại gây khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Hẳn là khi bị cảm lạnh ít người đi khám tại các cơ  sở y tế nhưng cũng không biết cảm lạnh nên làm gì. Bài viết dưới đây tổng hợp lại 12 cách chữa cảm lạnh tại nhà, ban đọc có thể tham khảo.

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là tình trạng bị nhiễm lạnh từ môi trường ngoài vào cơ thể. Đó có thể là gió lạnh, có thể là nước lạnh, cũng có thể là dầm mưa lạnh, thậm chí việc (đông y gọi chung là cảm mạo – cảm phong hàn thường gặp vào cuối thu và mùa đông)…

Gây ra các triệu chứng sợ lạnh, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho, đau đầu, phát sốt nhẹ, chân tay mỏi, có thể có buồn nôn hoặc nôn.

Khi bị cảm lạnh cần lưu ý điều gì?

Khi gặp tình trạng cảm lạnh việc đầu tiên là giữ ấm cơ thể, dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị thay thế để làm giảm triệu chứng, ăn uống đồ ăn có vị cay tính ấm để phát tán cái hàn ra khỏi cơ thể, tránh ăn đồ béo ngậy, nên ăn đồ thanh đạm để dễ phát tán hàn ra ngoài.

Cách chữa cảm lạnh

1. Đánh cảm bằng đồng bạc và lòng trắng trứng

Chính bởi bằng những nguyên liệu dễ có là lòng trắng trứng gà và đồng bạc, mà đây có thể xem như là cách chữa cảm đơn giản nhất, dễ thực hiện nhất đối với mọi nhà.

Và để đánh cảm đúng cách và nhận biết đồng bạc xanh đỏ ra làm sao, đây sẽ là nội dung có ích cho bạn: Cách đánh cảm bằng trứng gà

2. Đánh cảm bằng gừng tươi tóc rối rượu trắng or lá trầu và rượu trắng

50g gừng tươi giã nhỏ trộn với rượu trắng, một ít tóc rối (hoặc 100g lá trầu giã nhỏ trộn với rượu trắng) bọc vào miếng vải gạc hay vải màn, chà nhẹ dọc 2 bên sống lưng và tay chân theo chiều trên xuống đến khi nóng vùng da lên. Khi bã gừng (lá trầu) khô thì trộn thêm rượu đánh tiếp. Ngày đánh 1- 2 lần.

3. Xông hơi bằng nồi lá xông

Thành phần nồi lá xông:

  • Lá có tác dụng hạ sốt: lá tre, lá duối,…
  • Nguyên liệu có tác dụng kháng khuẩn: ngải cứu, hương nhu…;
  • Lá chứa tinh dầu: vỏ bưởi, lá bưởi, bạc hà, tía tô, sả….

Tuỳ theo điều kiện từng nơi, không nhất thiết phải có đủ các loại lá theo bài thuốc; chỉ với vài loại như: lá tre, lá bưởi (hoặc chanh), hương nhu, sả, ngải cứu, bạc hà là có thể có được một nồi xông.

Cách đun nồi xông:

  • Đổ nước 2/3 nồi, cho lá có tác dụng hạ nhiệt vào trước.
  • Lúc nước gần sôi thì cho lá có tác dụng kháng khuẩn vào và cuối cùng là bỏ lá tinh dầu vào.
  • Đừng cho tất cả lá vào nấu cùng một lượt, tinh dầu rất dễ bay hơi và như vậy sẽ làm giảm tác dụng điều trị.
  • Cần canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín, khi nước sôi trở lại 2 – 3 phút thì bắc xuống và xông ngay.

Cách xông:

  • Phòng xông cần đủ kín.
  • Khi thấy nồi nước xông chuẩn bị sôi thì cho người bệnh cởi bỏ quần áo ngoài, mặc bộ quần áo mỏng.
  • Người bệnh ngồi trên một mặt phẳng, tư thế xếp bằng hoặc xếp chân sang một bên, ngẩng cao đầu, nghiêng sang một bên để tránh hơi nước nóng phả mạnh vào mặt, đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn kín, rồi từ từ mở hé vung nồi cho hơi nước thoát ra, sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được.
  • Hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang.
  • Thời gian xông hơi khoảng 10 – 15 phút. Đậy vung nồi lại, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch, thay quần áo, xong mở chăn. Có thể gạn lấy 1 chén nước trong của nồi nước xông (khoảng 50 ml) cho người bệnh uống hoặc ăn ngay bát cháo nóng.
  • Không dùng trong trường hợp cảm ra nhiều mồ hôi.

4. Xông tinh dầu trị liệu

Bạn có thể xông các loại tinh dầu như: dầu gừng, dầu khuynh diệp, tinh dầu Argol, dầu gió thông thường…đơn giản hơn, không cầu kì, dễ thực hiện.

Cách thực hiện: Cho 5 – 10 giọt vào nước nóng, xông mũi và cổ họng khoảng 10 phút bằng dụng cụ xông (bình xông) hay bằng cách trùm khăn kín đầu.

5. Cứu ngải

  • Dùng điếu ngải cứu vào 3 huyệt Đại chùy, Phong trì, Hợp cốc. Mỗi huyệt cứu từ 3-5 phút.
  • Ngoài ra có thể cứu nóng lòng bàn tay, lòng bàn chân.

6. Giác hơi

Bạn nên giác hơi nhanh, không nên giác hơi kiểu lưu lâu gây xuất huyết da. Giác hơi giúp loại trừ hơi lạnh xâm nhập cơ thể, đồng thời làm giảm nhanh các triệu chứng đau mỏi toàn than hay gặp ở người bị nhiễm lạnh.

7. Cháo giải cảm

Nguyên liệu:

  • Lá tía tô tươi 10g
  • Gừng tươi 10g
  • Hành hoa tươi 20g
  • Gạo tẻ 50g

Cách làm:

  • Gạo nấu thành cháo loãng, nêm muối trắng vừa ăn.
  • Tía tô, hành hoa, gừng rửa sạch thái nhỏ cho vào bát tô, múc cháo đang sôi đổ lên trên, quấy đều.
  • Ăn nóng sau đó đắp chăn cho ra mồ hôi. 10-15 phút bỏ chăn dùng khăn lau khô mồ hồi, tránh gió lùa.
  • Ngày ăn 2 lần sáng chiều

8. Cháo gừng

Nguyên liệu: gừng tươi 20g, gạo tẻ 60g, đường đỏ 15g.

Cách làm: Nấu cháo gừng ăn nóng.

Thích hợp với trường hợp cảm lạnh không có mồ hôi, buồn nôn, nôn.

9. Nước tía tô tươi

Chữa cảm lạnh bằng lá tía tô vốn được coi là phương pháp dân gian quen thuộc với người Việt. Ngoài cháo tía tô giải cảm chúng ta có thể chữa cảm cúm bằng tía tô rất đơn giản.

20g lá tươi giã nhỏ chế nước sôi, gạn lấy nước uống nóng.

Nấu cháo hành tía tô và gừng, ăn nóng.

Thích hợp với cảm lạnh không ra mồ hôi, bụng chướng đầy.

10. Trà gừng

Bạn có thể chữa cảm lạnh bằng gừng theo một cách đơn giản dể thực hiện. Có thể dùng trà gừng sẵn ngoài hiệu thuốc.

Hoặc tự làm trà gừng sẽ tốt hơn: vài lát gừng giã nát thêm chút đường và nước sôi.

11. Mật ong

Chữa cảm lạnh bằng mật ong là một trong những cách chữa cảm lạnh tại nhà hiệu quả

  • Ngậm một lượng mật ong nhất định mỗi ngày ngay khi có các dấu hiệu của bệnh sẽ rút thời gian bị bệnh cảm lạnh tới 2 ngày (theo nghiên cứu của các nhà khoa học trường ĐH Y học Jahrom – Iran).
  • Mật ong và quế : Trộn 1/4 thìa bột quế với 1 thìa mật ong. Ăn hỗn hợp này 2 lần mỗi ngày để trị cảm lạnh.
  • Mật ong và hành tây tươi: Trộn mật ong và hành tây có thể trị cảm lạnh dễ dàng. Cắt hành thành lát mỏng, đổ mật ong lên, ngâm qua đêm và ăn vào sáng hôm sau. Ăn vài lần trong ngày.
  • Mật ong, chanh và gừng: Hỗn hợp mật ong, chanh và gừng có thể loại trừ các triệu chứng cảm lạnh nhanh chóng. Trộn mật ong và nước chanh với lượng bằng nhau. Thêm một chút bột gừng và uống hỗn hợp này vài lần trong ngày.

12. Một ly nước hoa quả nóng

Nó sẽ giúp làm dịu tình trạng viêm họng, giảm sổ mũi, ngạt mũi… vốn rất phổ biến của chứng bệnh này (chuyên gia của Trung tâm Cảm lạnh, trường ĐH Cardiff University.

Trên đây là 12 cách chữa cảm lạnh tại nhà bạn có thể áp dụng. Để cải thiện nhanh triệu chứng của cảm lạnh bạn có thể kết hợp nhiều phương pháp điều trị cùng lúc. Lưu ý bạn cần xác định chính xác có phải bản thân đúng là bị cảm lạnh không hay bị các bệnh lý khác có cùng triệu chứng.

BS. Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *