Viêm mũi dị ứng bội nhiễm- biến chứng khó lường

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là tình trạng xuất hiện khi các triệu chứng viêm mũi dị ứng kéo dài mà không được điều trị kịp thời. Viêm mũi dị ứng bội nhiễm có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm xoang, viêm thanh quản,… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh.

1. Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là gì?

Viêm mũi dị ứng xuất hiện khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật… kích thích và làm tổn thương niêm mạc mũi. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển hình thành các ổ viêm nhiễm. Các ổ viêm này không được điều trị làm gia tăng mức độ tổn thương niêm mạc người bệnh và các triệu chứng bệnh trở nên nặng nề hơn. Đây là tình trạng viêm mũi dị ứng bội nhiễm. 

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm là biến chứng nhẹ của viêm mũi dị ứng. Nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến một số biến chứng khác như:

  • Viêm xoang: Các dịch viêm có thể chảy từ hốc mũi sang các xoang và ngược lại. Điều này gây nên tình trạng viêm xoang với các triệu chứng như đau đầu, nhức mắt, nghẹt mũi,…
  • Viêm họng: Dịch viêm từ mũi chảy xuống họng, gây kích ứng niêm mạc họng gây nên các triệu chứng: ho, rát, đỏ họng.
  • Viêm thanh quản: Triệu chứng nghẹt mũi dẫn đến người bệnh thường xuyên phải thở bằng miệng. Thanh quản phải tiếp xúc với không khí lạnh có thể dẫn đến tình trạng viêm, tổn thương thanh quản.
  • Viêm tai giữa: Dịch viêm từ hốc mũi di chuyển đến vòi nhĩ gây nên viêm tai.

2. Triệu chứng của viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm nặng nề hơn viêm mũi dị ứng thông thường
Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng bội nhiễm nặng nề hơn viêm mũi dị ứng thông thường

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm có đầy đủ các triệu chứng như viêm mũi dị ứng thông thường. Tuy nhiên, các triệu chứng này nặng nề hơn và ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc sống người bệnh.

  • Hắt hơi: Người bệnh hắt hơi liên tục, hắt hơi cả một tràng dài. Kèm theo đó có thể có triệu chứng đau tức ngực, chảy nước mắt.
  • Sổ mũi: Người bị viêm mũi dị ứng bội nhiễm dịch mũi đặc, có màu vàng hoặc xanh, có mùi hôi.
  • Nghẹt mũi: Người bệnh có thể nghẹt mũi một bên hoặc cả hai bên mũi. Tình trạng này có thể gia tăng khi người bệnh gặp thời tiết lạnh hoặc ngồi phòng điều hòa.
  • Ngứa mũi: Các dị nguyên kích thích niêm mạc mũi gây nên tình trạng ngứa mũi, khó chịu mũi.
  • Ngoài ra, tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, virus có thể gây nên một số triệu chứng ở các cơ quan lân cận như: Sốt, đau đầu, cảm giác ù tai, đầy tai, viêm họng, đau mắt, ngứa mắt.

3. Điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Người mắc viêm mũi dị ứng cần được thăm khám và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị.

3.1. Biện pháp hỗ trợ điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm tại nhà

  • Đánh răng, súc miệng sạch sẽ bằng nước ấm để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus.
  • Nhỏ mũi hằng ngày bằng nước muối sinh lý để làm thông thoáng đường thở và các hốc mũi chứa dịch viêm.
  • Uống đủ 2 đến 2,5 lít nước/ ngày đảm bảo quá trình chuyển hóa trong cơ thể ổn định.
  • Ăn đủ chất, trong khẩu phần ăn cần có đủ 4 nhóm chất bao gồm tinh bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất (tỏi, hành tây, gừng, mật ong,…), thực phẩm nhiều kẽm (thịt bò, nấm, bí ngô, các loại đậu,…), để tăng cường hệ miễn dịch.
  • Các loại hải sản đông lạnh dễ sản sinh Histamin nên được khuyến cáo không sử dụng cho người mắc viêm mũi dị ứng bội nhiễm. 

3.2. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng bội nhiễm

Trong quá trình điều trị các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc kháng Histamin: Cetirizine, Loratadine,…giảm triệu chứng kích ứng như hắt hơi.
  • Kháng sinh: Amoxicilin, erythromyxin,… tiêu diệt, ngăn chặn vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Thuốc giảm viêm: Methylprednisolon, Prednisolon,…
  • Thuốc long đờm: Dextromethorphan, Terpin – codein,…

Viêm mũi dị ứng bội nhiễm khó điều trị hơn so với viêm mũi thông thường. Nếu không điều trị đúng có thể dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Vì vậy, người mắc viêm mũi dị ứng bội nhiễm cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều trị phù hợp.

CN. Vũ Thị Anh Đào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *