Viêm khí quản và những điều cần biết

Viêm khí quản là hiện tượng viêm niêm mạc phủ trong lòng khí quản do vi khuẩn, vi rút, dị ứng hoặc nấm… Bệnh thường gặp ở bệnh nhi 3 – 5 tuổi do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch và hô hấp chưa hoàn thiện.

Viêm khí quản là bệnh gì?

Khí quản thuộc hệ hô hấp dưới, là một ống dẫn khí nối từ thanh quản với phổi. Ở đoạn cuối khí quản phân chia làm 2 nhánh là khí quản gốc trái và phải nối với lá phổi trái và phải ở ngang mức đốt sống ngực 4 hoặc 5. Ngoài chức năng dẫn khí, khí quản còn có các chức năng quan trọng giúp điều hòa lượng không khí đi vào phổi.

Viêm khí quản là hiện tượng viêm niêm mạc phủ trong lòng khí quản do vi khuẩn, vi rút, do dị ứng hoặc nấm….

Cấu tạo giải phẫu thanh -khí quản
Cấu tạo giải phẫu thanh -khí quản

Diễn biến và chẩn đoán bệnh viêm khí quản

Bệnh có diễn biến nhanh và phức tạp, thường gặp ở bệnh nhi 3 – 5 tuổi do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch và hô hấp còn chưa hoàn thiện.

Trẻ em bị viêm khí quản cấp thường khởi đầu bởi những triệu chứng của cảm như ho, sổ mũi, sốt nhẹ, sau 1 – 3 ngày bắt đầu có triệu chứng khàn giọng, khó thở, thở rít, nhất là vào lúc thời tiết trở lạnh hoặc giữa đêm.

Sau đó xuất hiện triệu chứng nổi bật là sốt cao, ho nặng tiếng,… gần giống như viêm thanh khí quản. Có thể xảy ra tình trạng sốc nhiễm độc, suy đa phủ tạng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán bệnh nhờ một số công cụ hỗ trợ như test xác định vi khuẩn dịch mũi họng, xét nghiệm máu đánh giá lượng oxy trong máu, X-quang đường thở hoặc nội soi khí phế quản.

Triệu chứng của viêm khí quản
Triệu chứng của viêm khí quản

Nguyên nhân gây bệnh viêm khí quản

Viêm khí quản có thể do virus gây ra hoặc bị kích thích từ hạt bụi siêu nhỏ, khí độc. Nhưng thường gặp nhất do vi khuẩn S. aureus, hoặc một số vi khuẩn khác như: Moraxella catarrhalis, nontype H. influenzae và anaerobic organisms.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hiện tượng tăng tiết mủ và phù nề trên diện rộng tại khí quản gây nên biến chứng nguy hiểm.

Xử trí điều trị và lời khuyên phòng bệnh

Người bệnh khi bị viêm khí quản cần được chẩn đoán và điều trị theo đúng phác đồ chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Có thể sử dụng kháng sinh toàn thân đường tiêm hoặc uống tùy tình trạng cụ thể, kháng viêm, hạ sốt giảm đau, long đờm, thở oxy (nếu cần).

Tuy nhiên, người bệnh nên thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tai Mũi Họng, không nên chủ quan tự điều trị tại nhà thậm chí không điều trị với tâm lý để bệnh tự khỏi, nhiều trường hợp diễn biến nhanh và nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm.

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *