Vị thuốc Thục địa hoàng

Thục địa hoàng là sản phẩm bào chế của Sinh địa. Thục địa cũng là vị thuốc xuất hiện gần như hầu hết trong các bài thuốc bổ của y học cổ truyền bởi tác dụng bổ chân âm, sinh tinh, trấn tủy…

Tiêu chuẩn chọn Sinh địa để nấu Thục địa

Chọn củ Sinh địa càng to càng tốt (to mới già mới có lực), càng tròn càng tốt (nếu dẹt là do quá trình sấy bị ép chặt hoặc sấy lửa to quá khiến sinh địa nhũn ra bị ép dẹt mất chất) , càng cũ càng tốt (cũ thì khi nấu không bị hao, củ sinh để lâu sẽ tự đen như củ thục), càng dẻo càng tốt.

Bỏ tất cả các củ cái vì củ cái khô gỗ và chai như xơ mướp nên không dùng để nấu Thục địa. 

Sau khi lựa chọn được Sinh địa đạt chất lượng thì rửa sạch lớp bùn đất bên ngoài và phơi khô. 

Cách bào chế Thục địa từ Sinh địa

Có khá nhiều cách bào chế Thục địa khác nhau tùy theo các trường phái lý luận cũng như kinh nghiệm cá nhân.  

Điều quan trọng và mấu chốt làm nên loại Thục địa chất lượng chính là Sinh địa trải qua bào chế Cửu chưng cửu sái thành Thục địa tiêu chuẩn. 

Cách 1: 

Ngày 1: Cho vào bột Sa nhân, bột Trần bì và rượu gạo, trộn đều với Sinh địa khô, sau đó ủ trong 12 giờ. Mục đích là làm cho các nguyên liệu phụ thâm nhập hoàn toàn vào bên trong của củ Sinh địa. Sa nhân và Trần bì giúp cho Thục địa bớt nê trệ và có thể dùng được ở người có tỳ vị yếu.

Ngày thứ 2, cho nước vào nồi và hấp cách thủy trong 24 giờ.

Ngày 3: Phơi nắng và để khô. 

Ngày 4: Lại cho tất cả nguyên liệu vào nồi hấp cách thủy trong 8 giờ.

Ngày 5: Lấy ra, phơi nắng cho khô rồi để nguội. 

Điều này được lặp lại tám lần, tức là hấp trong một ngày và sấy trong một ngày, lặp lại trong 16 ngày, cộng với ngày đầu tiên, bây giờ tổng cộng là 17 ngày. 

Ngày 18: Trộn rượu gạo, sa nhân, vỏ quýt khô vào Thục địa rồi hấp trong nồi kín, hấp cho đến khi củ sinh địa từ rắn chuyển sang bề mặt tiết dầu, mặt cắt có màu đen bóng là được.

Để tiết kiệm thời gian, ngày nay thường hấp cách thủy ban đêm để ban ngày gỡ ra phơi.

Cách 2:

Sinh địa rửa nhanh, ngâm sơ đủ để no nước nhưng không được để chất ra nước. Khi vớt Sinh địa ra phải luôn phải giữ ẩm để Sinh địa nở ra.

Rửa nhanh 1 tạ Sinh địa rồi ngâm ngập 40 lít rượu 40 độ trong 6 tiếng, sau đó thêm 5kg Sa nhân đã nghiền mịn trộn đều, ủ khoảng 6h. Sau đó cho cho tất cả vào chõ để đồ (hấp cách thủy). Thường đồ trong 8 tiếng. Gỡ Sinh địa ra phơi dưới nắng to. Sau đó lặp lại quy trình nhiều lần đến khi thành Thục địa đạt tiêu chuẩn.

Dùng cái nhiệt của rượu, sa nhân, dương quang (mặt trời) để khử đi cái đại khổ, đại hàn của Sinh địa thành cái cam ôn của Thục địa. Chuyển từ màu vàng của Sinh địa sang màu đen bóng của Thục địa. Vàng là sắc của trung châu (trung tiêu), đen là sắc của thận (hạ tiêu).

Cách 3: Thục địa vo

Cho sinh địa vào đồ 8 tiếng và phơi dưới nắng to. Đến lần đồ thứ 7 thì lấy tiết sinh (đặc quánh) trộn với rượu và sa nhân bột và cho vào tẩm thục, đun nhỏ lửa cho rượu và nước bay hơi vợi. khi khô vợi thì lấy thục vo tròn khi còn nóng. sau đó tiếp tục đồ thêm 2 lần, phơi 2 lần nữa. Nấu kiểu này thì mua củ Sinh địa nhỏ cho dễ ngấm, dễ vo.

Vì sao cần tuân thủ các bước bào chế Thục địa

Thục địa bắt buộc phải cửu chưng cửu sái. Nếu chế biến mà cắt bớt công đoạn hoặc nguyên liệu sẽ phát sinh ra rất nhiều vấn đề về chất lượng của thục địa.

Phương pháp cửu chưng cửu sái được phát minh bởi danh y Tôn Tư Mạo – đời Đường. Ông là một trong những danh y nổi tiếng về dụng dược được mệnh danh là Dược Vương. Ông thọ 142 tuổi.

Có một câu chuyện được ghi chép lại trong y văn xưa về Hoàng đế Tống Huy Tông mắc căn bệnh đầu vựng (váng đầu), đứng không vững. Tất cả các thái y của thái y viện bắt mạch và cùng chẩn đoán Hoàng đế bị chứng thận âm hư. Nói đến thận âm hư dùng thục địa là tốt nhất, Lục vị địa hoàng hoàn (cải biên từ Kim quỹ thận khí hoàn – Trọng Cảnh) chính là thánh dược.

Thái y mới theo đó kê đơn và làm Lục vị địa hoàng hoàn dâng lên cho Hoàng đế uống. Thế nhưng sau khi uống Lục vị vào, không những không hết đầu vựng mà Hoàng đế còn bị đau bụng, lạnh bụng và tiêu chảy. Hoàng đế mới hỏi rốt cuộc thái y đã cho ông uống thứ gì? Ông yêu cầu thái y viện phải tìm người đã phát minh ra bài thuốc đến để hỏi chuyện. Lúc này cụ Tiền Ất được mời đến. Câu đầu tiên cụ hỏi bệnh tình hiện tại là như thế nào. Các Thái y mới nói rằng Hoàng đế bị đầu vựng do thận âm hư, đã uống Lục vị hoàn không những bệnh tình không thuyên giảm mà lại bị đi ngoài. Cụ Tiền Ất nói không phải do thái y chẩn bệnh và kê đơn không đúng, cũng không phải vấn đề ở bài thuốc Lục vị mà là do trong phương thuốc của họ sử dụng Thục địa không đạt yêu cầu. Trong quá trình bào chế Thục địa đã bị cắt bớt công đoạn, không đảm bảo đủ cửu chưng cửu sái chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng này. Lúc này cụ mới lấy Thục địa cửu chưng cửu sái chuẩn ra sử dụng cho Hoàng đế. Kết quả dùng xong thuốc, bệnh tình của Hoàng đế rất nhanh đã cải thiện tốt, hết tiêu chảy, đau bụng và đầu cũng không còn choáng váng nữa.

Câu chuyện này cho thấy quá trình bào chế có thể làm thay đổi công năng, dược tính của vị thuốc. Trong cuốn “Bản thảo bị yếu” của danh y uông Ngang có ghi chép về 3 vị thuốc khác nhau từ củ địa hoàng là sinh địa hoàng (vị ngọt đắng tính đại hàn), can địa hoàng (vị ngọt đắng tính hàn), thục địa hoàng (vị ngọt tính ôn). Với mỗi bệnh trạng khác nhau sẽ dùng loại khác nhau. Đó chính là sự biến hóa của đông y. 

Cửu chưng cứu sái ở đây không nhất thiết là đúng 9 lần mà ở đây ý nói là chưng và sái nhiều lần. Quan trọng là đến khi thục địa đạt tiêu chuẩn. 

Tiêu chuẩn Thục địa dùng làm thuốc

Thục địa tiêu chuẩn là: màu đen, bóng, khô mà dẻo, sờ không bị dính tay, thái không bị ra nước, ăn có vị ngọt, thơm như kẹo. 

Tác dụng của Thục địa đối với sức khỏe

Tác dụng theo y học cổ truyền

Thục địa hoàng vị cam tính bình vi ôn, quy kinh can thận, bổ huyết, dưỡng can, ích thận. Chủ trị can thận hư, huyết hư…

Có thể dùng cho các trường hợp thiếu máu, chóng mặt, tim đập nhanh, kinh nguyệt không đều, suy nhược cơ thể, bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tiểu đêm nhiều lần, liệt dương, di tinh, vô sinh, táo bón do âm hư; hen suyễn do thận hư , ù tai, mắt mờ, rong kinh, tiêu khát…

Tác dụng theo y học hiện đại

Nghiên cứu về tác dụng dược lý của thục địa cho thấy

  • Hơn 140 hợp chất đã được phân lập và xác định có trong thục địa. Chẳng hạn như polysaccharides, oligosaccharides, glycoside, iridoid glycoside, flavonoid, phenol glycoside ionone, furfural và các nguyên tố vi lượng…
  • Thục địa có tác dụng dưỡng âm bổ huyết, cường tinh, bổ tủy
  • Chống tiểu đường,
  • Chống lo âu, chống mệt mỏi,
  • Chống khối u, giảm viêm niêm mạc ruột và tăng cường miễn dịch
  • Tăng cường trí nhớ, thúc đẩy tăng sinh tế bào nội mô mạch máu
  • Chống lão hóa và thúc đẩy tái tạo hồng cầu
  • Catalpol trong Thục địa có tác dụng ở những bệnh nhân mắc bệnh Parkinson (PD), bệnh Alzheimer (AD), thiếu máu cục bộ não (CI) và lão hóa thần kinh thông qua bảo vệ thần kinh, làm giảm suy giảm chuyển hóa năng lượng và ngăn ngừa quá trình chết tế bào thần kinh.

Ngày càng có nhiều về nghiên cứu về tác dụng cũng như ứng dụng của Thục địa trong điều trị các bệnh lý theo y học hiện đại

  • Năm 2019, các nhà nghiên cứu của 3 trường đại học hàng đầu về y khoa của Trung Quốc bao gồm Đại học Y khoa Chiết Giang Trung Quốc, Đại học Quân y thứ hai – Thượng Hải, Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Phúc Kiến đã bắt tay nghiên cứu về tác dụng của Thục địa: Rehmanniae Radix Praeparata (RR, được đặt tên là Shudihuang 熟地黄 – thục địa hoàng trong y học cổ truyền Trung Quốc), đã được chứng minh là có hoạt tính chống bệnh tiểu đường và chống loãng xương. Nghiên cứu mới của các nhà khoa học phát hiện thêm Thục địa hoàng điều chỉnh hoạt động phosphatase kiềm và mức độ osteocalcin, tăng cường mật độ khoáng của xương và cải thiện vi kiến ​​trúc xương ở chuột mắc bệnh tiểu đường. Những phát hiện này cho thấy Thục địa hoàng có thể là một ứng cử viên đầy hứa hẹn cho việc phòng ngừa và điều trị chứng loãng xương do bệnh tiểu đường.
  • Năm 2018, Viện Nhi khoa, Đại học Y khoa Nam Kinh – Trung Quốc công bố kết quả nghiên cứu: Thục địa hoàng có thể cải thiện các hành vi tự phát, bốc đồng, và cải thiện sự phát triển và trưởng thành của các tế bào thần kinh khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý
  • Năm 2009, Đại học Sơn Đông – Trung Quốc nghiên cứu về Thục địa hoàng và bệnh trầm cảm. Kết quả cho thấy Thục địa hoàng có giá trị điều trị đối với các rối loạn giống như trầm cảm, và chống oxy hóa có thể là một trong những cơ chế làm cơ sở cho tác dụng chống trầm cảm của Thục địa.
  • Năm 2013, Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Hà Nam cũng phát hiện Thục địa có tác dụng chống lo âu
  • Tái tạo đường thở thể hiện sự chữa lành và thay đổi đường thở xảy ra do hậu quả của tình trạng viêm mãn tính. Các nhà nghiên cứu năm 2020 đã công bố kết quả thực nghiệm đã chứng minh rằng catalpol – một thành phần chính của Thục địa có thể thúc đẩy tái tạo đường thở, làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn.
  • Thục địa có thể cải thiện chức năng học tập và trí nhớ trong trường hợp sa sút trí tuệ và cơ chế của nó có thể liên quan đến việc điều chỉnh hàm lượng axit glutamic và axit gamma-aminobutyric (GABA) trong não.
  • Đại học Y học Trung Quốc Bắc Kinh năm 2020 nghiên cứu: Trong giai đoạn di chứng đột quỵ do thiếu máu cục bộ, Thục đại và Sơn thù du bảo vệ các tế bào thần kinh bị tổn thương, điều hòa huyết áp, điều hòa tích cực hình thành mạch… 
  • Các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu năm 2019: Các bệnh tim mạch (CVDs) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Nghiên cứu đã chỉ ra Thục địa là loại thuốc thảo dược tiềm năng mới chống lại bệnh lý tim mạch đặc biệt là chứng xơ vữa động mạch.
  • Đại học Y khoa Hà Nam năm 2021: Nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng polysaccharide có trong Thục địa là một nguồn có giá trị để điều hòa miễn dịch.

Liều dùng – Cách dùng

Tùy theo tình trạng bệnh lý, tình trạng sức khỏe của người dùng, cách dùng (thang sắc, tán, cao… phối với các vị thuốc nào) và chất lượng của Thục địa mà liều dùng có sự khác nhau.

Bài thuốc Lục vị địa hoàng hoàn: Thục địa 8 phần, Sơn thù du 4 phần, Hoài sơn 4 phần, Trạch tả 3 phần, Đan bì 3 phần, Bạch linh 3 phần. Tán bột làm hoàn mật 9g. Ngày 2 viên chia 2 bữa sáng, trưa. Chuyên bổ can thận âm hư.

Bài thuốc Bát vị hoàn: Thục địa 8 phần, Sơn thù du 4 phần, Hoài sơn 4 phần, Trạch tả 3 phần, Đan bì 3 phần, Bạch linh 3 phần, Nhục quế 1 phần, Phụ tử chế 1 phần. Tán bột làm hoàn mật 9g. Ngày 2 viên chia 2 bữa sáng, trưa. Chuyên thận dương hư, mệnh môn hỏa suy.

Bà thuốc Tứ vật thang: Thục địa 12g, Đương quy 12g, Bạch thược 12g, Xuyên khung 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 bữa. Chuyên bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh.

Lưu ý khi sử dụng

  • Không dùng đồ bằng sắt để bào chế, đựng Thục địa.
  • Người có chức năng tiêu hoá kém, thường đại tiện phân sống, đau lạnh bụng, ngực sườn đầy tức, đờm nhiều… cần thận trọng khi sử dụng.
  • Thục địa kị Bối mẫu, Vô di, Thông bạch…

Tốt nhất nên tham khảo bác sỹ chuyên khoa trước khi sử dụng Thục địa.

Thục địa mua ở đâu? Giá bán Thục địa bao nhiêu

Thục địa là vị thuốc quan trọng, bổ dưỡng được bào chế cầu kỳ do vậy việc chọn lựa nơi mua Thục địa cần hết sức thận trọng. Nên mua tại các cơ sở thuốc đông dược có uy tín, được cấp phép và đạt tiêu chuẩn.

Cũng vì quy trình bào chế phức tạp nên giá bán Thục địa thường không rẻ, dao động từ 300.000đ – 600.000đ tùy từng cơ sở. Giá cũng dao động phụ thuộc và sự lên xuống của giá cả thị trường dược, mức độ khan hiếm, mức độ tiêu thụ của thị trường… 

BS Uông Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *