Vì sao phải chủng ngừa cúm hàng năm

Vì sao phải chủng ngừa cúm hàng năm

Bệnh cúm do 1 vi rút cúm (Orthomyxovirus) gây ra. Vi rút cúm là những vi rút hình cầu, có vỏ bọc, bộ gen là ARN. Trên vỏ vi rút có các “gai” kháng nguyên hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Có 15 loại kháng nguyên H (H1H15) và khoảng 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Sự tổ hợp hai kháng nguyên này tạo nên các chủng cúm khác nhau, ví dụ cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm A/H5N1.

Cấu trúc của virus cúm A
Cấu trúc của virus cúm A

Đặc điểm đáng chú ý nhất của vi rút cúm là thường hay có những biến đổi kháng nguyên. Sự biến đổi này diễn ra hàng năm và thường gặp ở vi rút cúm A, ít gặp ở vi rút cúm B và không gặp ở vi rút cúm C. Khi có sự biến đổi kháng nguyên sẽ xuất hiện chủng cúm mới gây bệnh trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch chống lại chủng mới này. Đó là lý do tại sao hàng năm vẫn có nhiều vụ dịch cúm trong cộng đồng và tại sao chúng ta phải chủng
ngừa hàng năm.

Vi rút cúm có thể biến đổi kháng nguyên theo hai cách khác nhau: thay đổi “vận động kháng nguyên” (antigenic drift) và thay đổi “đột biến kháng nguyên” (antigenic shift).

Thay đổi “vận động kháng nguyên”

Đây là những thay đổi nhỏ trong các gen của vi rút cúm xảy ra liên tục theo thời gian khi vi rút sao chép. Những thay đổi di truyền nhỏ này làm thay đổi cấu trúc kháng nguyên ở một hoặc vài acid amin. Những thay đổi di truyền nhỏ này thường gây nên các vụ dịch vừa và nhỏ. Nhưng khi có sự tích lũy lớn của những thay đổi kháng nguyên theo thời gian, các kháng thể được tạo ra để chống lại các vi rút cũ không nhận ra được vi rút “mới” và người nhiễm vi rút đó có thể bị cúm trở lại. Những thay đổi di truyền dẫn đến một chủng vi rút mới có đặc tính kháng nguyên khác là lý do chính khiến mọi người có thể bị cúm nhiều lần. Đây cũng là lý do tại sao thành phần vắc-xin cúm phải được xem xét lại hàng năm và được cập nhật khi cần thiết để bắt kịp với việc biến đổi vi rút.

Thay đổi “đột biến kháng nguyên”

Sự thay đổi “đột biến kháng nguyên” là một sự thay đổi lớn trong vi rút cúm A, dẫn đến hemagglutinin mới và/hoặc các protein hemagglutinin và neuraminidase mới của vi rút cúm. Sự thay đổi kháng nguyên là do cơ chế tái tổ hợp tức là sự sắp xếp lại bộ gen. Kết quả là hình thành một chủng vi rút cúm mới. Nguồn kháng nguyên gây dịch ở người chính là các loại vi rút cúm A ở các loài động vật khác nhau (gia cầm, lợn…). Ví dụ, nếu một vi rút cúm A của lợn nhiễm sang đường hô hấp của một người, thì có thể xảy ra tái tổ hợp giữa vi rút cúm người và cúm lợn, tạo nên một biến thể vi rút cúm A mới ở con người.

Sự tái tổ hợp dẫn tới thay đổi kháng nguyên vi rút cúm
Sự tái tổ hợp dẫn tới thay đổi kháng nguyên vi rút cúm

Trong thế kỷ XX, có 3 hemagglutinin mới và 2 neurominidase mới. Năm 1957, có chủng vi rút gây đại dịch là cúm A/H2N2. Năm 1968, có sự chuyển dịch kháng nguyên ở hemagglutinin, tạo nên chủng cúm mới là cúm A/H3N2 gây đại dịch. Năm 1977, có sự chuyển dịch kháng nguyên ở cả H và N, cúm A có chủng mới là H1N1 gây đại dịch. Năm 2009, khi đó vi rút H1N1 có sự kết hợp mới các kháng nguyên xuất hiện ở người bị nhiễm và lan rộng nhanh chóng, gây đại dịch. Khi xảy ra đột biến, đa số con người chỉ được bảo vệ rất ít hoặc hoàn toàn không trong việc chống lại vi rút mới.

Phòng ngừa cúm bằng vắc xin

Cúm A

Như đã nói, phòng bệnh cúm bằng vắc xin gặp nhiều khó khăn do vi rút cúm thường xuyên biến đổi kháng nguyên. Nếu trước đây bạn đã từng bị cúm thì trong cơ thể bạn đã có sẵn các kháng thể có thể chống lại được chủng vi rút đặc hiệu đó. Nhưng các kháng thể chống lại cúm mà bạn có trong quá khứ lại không thể giúp bạn tránh được các nhóm phụ (còn gọi là các thứ loại) cúm mới mà có thể rất khác về mặt miễn dịch với loại cúm bạn mắc trước đó. Nếu lần sau bạn lại mắc cùng chủng cúm, hoặc bạn được tiêm chủng vắc xin cúm mùa thì các kháng thể đó có thể giúp bạn đề phòng được bệnh cúm hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng. Mỗi năm nhà sản xuất phải thay đổi công thức vắc xin bằng cách thêm kháng nguyên các chủng vi rút của mùa cúm năm trước. Vắc xin phòng cúm này tạo đáp ứng miễn dịch không bền vững, sự bảo vệ thường chỉ kéo dài 6 tháng, nên cần tiêm nhắc lại hàng năm ngay trước mùa cúm. Mùa cúm thường là từ tháng 10 kéo dài đến tháng 5. Mọi người đều nên chủng ngừa cúm, đặc biệt là nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, có bệnh mạn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch.

BS Phạm Minh Tiến – TS BS Huỳnh Minh Tuấn – BV Đại học Y dược TP HCM

Trích Tạp chí Sống khỏe 29

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *