Trào ngược dạ dày thực quản ăn gì kiêng gì?

Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 14 triệu người mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản, chiếm 10 – 20% bệnh nhân khám bệnh đường tiêu hoá. Hội chứng này ngày càng phổ biến, có thể do áp lực công việc, chế độ ăn uống thất thường,…

Cơ chế và biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Cơ chế hình thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Cơ chế hình thành bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trong điều kiện bình thường, áp lực trong thực quản cao hơn áp lực trong dạ dày. Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) xảy ra khi các thành phần trong dạ dày (bao gồm thức ăn, acid dạ dày và pepsin) trào ngược lên thực quản. Khi đó, áp lực của thực quản thấp hơn áp lực của dạ dày hoặc khi cơ thắt tâm vị yếu không đóng kín được. Các thành phần trong dạ dày trào ngược gây kích ứng và làm tổn thương niêm mạc thực quản.

Hai triệu chứng chính mà 86% người mắc GERD là ợ nóng và khó tiêu. Ngoài ra, còn có những biểu hiện đầy hơi, đau thượng vị, tăng tiết nước bọt… hoặc có thể đau xuyên qua lưng, lên cổ hoặc hàm. Một số trường hợp khác tăng tiết dịch vị nhiều gây ho có thể nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp, dịch trào ngược có thể vào phổi gây viêm phổi.

Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản

Nhiều nguyên nhân phối hợp gây ra trào ngược dạ dày thực quản có thể bao gồm cả nguyên nhân về thể chất và lối sống:

+ Tăng tiết dịch dạ dày, estrogen và progesterone.

+ Tác dụng phụ của thuốc như thuốc điều trị xơ cứng bì, điều trị thoát vị hoành, thuốc chống thừa cân – béo phì.

+ Hút thuốc lá.

+ Dùng thuốc như dopamin, morphin,…

+ Một số thực phẩm đặc biệt.

+ Thực phẩm nhiều chất béo, sô cô la, bạc hà, hạt tiêu, rượu là những thực phẩm có thể gây giảm áp lực cơ thắt tâm vị.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc trào ngược dạ dày thực quản

+ Những người mắc các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng như thừa cân – béo phì, đái tháo đường, dạ dày, hen suyễn.

+ Những người có thói quen hút thuốc lá.

+ Những người làm công việc văn phòng do đặc thù công việc ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt, thường xuyên thức khuya, ít uống nước, ăn quá nhanh, bỏ bữa sáng, ăn nhiều vào bữa tối, bia rượu tiệc tùng và ăn quá nhiều gia vị,…

+ Tình trạng trào ngược acid và thức ăn từ dạ dày lên thực quản không chỉ gây khó chịu, mệt mỏi, giảm chức năng nuốt, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn gây viêm, loét hoặc di chứng hẹp thực quản, lâu dần có thể dẫn đến ung thư thực quản.

Bị trào ngược dạ dày thực quản nên ăn gì? kiêng gì?

Điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhằm đạt được ba mục tiêu chính:

  • tăng trương lực của cơ thắt tâm vị,
  • giảm tăng tiết acid dạ dày,
  • làm sạch các dịch trào ngược trong thực quản.

Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định phẫu thuật.

Hầu hết bệnh nhân đều nhận biết được thực phẩm nào gây triệu chứng trào ngược trầm trọng, do đó, bệnh nhân sẽ chủ động giảm sử dụng thực phẩm đó.

Trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn gì

Để giảm dịch acid dạ dày, hạt tiêu, cà phê, rượu nên được hạn chế. Những yếu tố này được xác định gây ra tăng sản xuất dịch vị dạ dày. Ngoài ra, bữa ăn số lượng lớn cũng gây tăng sản xuất acid, làm chậm rỗng dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược. Do đó, ăn nhiều bữa với số lượng ít có thể giúp cải thiện triệu chứng.

Thực phẩm được xác định là có nguy cơ gây giảm trương lực cơ thắt cũng nên được hạn chế. Với bệnh nhân thừa cân béo phì, giảm cân nặng là một kế hoạch tích cực trong liệu pháp dinh dưỡng.

Trào ngược dạ dày thực quản kiêng ăn gì?

Tóm lại, chế độ ăn cho người bị trào ngược thức ăn dạ dày thực quản cần lưu ý:

– Ăn nhiều bữa, không ăn nhiều một lúc nhất là bữa tối, tuyệt đối không ăn bữa khuya.

– Hạn chế các thức ăn, thức uống làm tăng tình trạng bệnh: thực phẩm chua, cay nóng, đồ uống có gas, đồ nóng/lạnh,…

– Về lối sống: hình thành thói quen ăn uống điều độ, duy trì cân nặng hợp lý, không uống rượu bia, không hút thuốc lá, tránh thức khuya và nên ăn cách giờ đi ngủ 2 – 3 tiếng, gối đầu cao khi ngủ,…

Phạm Thị Tuyết Chinh – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *