Trần bì có tác dụng gì? Cần lưu ý gì khi dùng trần bì khô

Trong y học cổ truyền thì trần bì là vị thuốc đầu tay trong điều trị các bệnh lý tiêu hóa. Hiện nay trần bì được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe nhờ tính đa dạng trong công dụng hỗ trợ điều trị. Cùng nhau tìm hiểu trần bì có tác dụng gì?

1. Trần bì là cây gì?

Trần bì không phải tên của một loại cây. Đây là tên một vị thuốc lấy từ vỏ cam quýt chín có tên khoa học là Citri Reticulatae Pericarpium (CRP) – pericarpium citri reticulatae (PCR). 

Theo y học cổ truyền tên “trần bì” bao gồm “trần = cũ, lâu năm..”, “bì = vỏ” ý nói loại vỏ để lâu năm. Trần bì khô để càng lâu càng tốt, có loại 3 năm, 5 năm, 10 năm thậm chí 30 năm. 

Có loại trần bì giữ nguyên cỏ lớp vỏ trắng phía trong. có loại thì bỏ chỉ giữ lại lớp vỏ mỏng bên ngoài. Mỗi loại sẽ có tác dụng khác nhau. 

Ngoài ra còn có thanh bì cũng là vị thuốc lấy từ vỏ cam quýt nhưng là loại còn non, xanh. Tác dụng cũng khác nhiều so với trần bì.

Các nghiên cứu khoa học hiện nay đã tách chiết được nhiều hoạt chất từ trần bì. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thuốc thảo dược Trung Quốc, trần bì có chứa 19 loại hợp chất được phân lập và xác định. Trong đó thành phần chủ yếu là Hesperidin, Tangeretin và Nobiletin. Các tác dụng chữa bệnh của trần bì phần lớn có liên quan đến 3 hợp chất này. 

2. Trần bì có tác dụng gì?

Từ hàng ngàn năm ở Trung Quốc, trần bì đã được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng để điều trị buồn nôn , nôn, khó tiêu , thiếu máu, tiêu chảy, ho, long đờm, v.v. CRP có tác dụng dược lý rộng rãi như có tác dụng có lợi cho hệ tim mạch, tiêu hóa và hô hấp, kháng u, chống oxy hóa và chống viêm; và tác dụng bảo vệ gan và thần kinh. 

2.1. Trần bì tốt cho tiêu hóa và hô hấp

Trần bì là vị thuốc cay, thơm, hơi đắng và tính ôn. Để nguyên phần cùi trắng thì có tác dụng bổ tỳ vị, điều hòa trung tiêu, lý khí. Bỏ phần cùi trắng thì có tác dụng tiêu đờm, trị ho. Bởi vậy một nghiên cứu năm 2014 về các bài thuốc của GS Yan Zhenghua đưa ra con số thống kê không mấy bất ngờ. Qua phân tích 1 027 đơn thuốc có trần bì thì phần lớn những đơn thuốc này thường được dùng để điều trị đau dạ dày, ho.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng trần bì có tác dụng kép trong việc thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và ức chế co thắt cơ trơn đường ruột. Tác dụng hai chiều này có thể làm thay đổi chức năng đường tiêu hóa bằng cách ảnh hưởng đến sự bài tiết của các cơ quan tiêu hóa và tác động trực tiếp lên cơ trơn của ruột.

  • Synephrine có thể thúc đẩy chuyển động đường tiêu hóa bằng cách tăng nồng độ acetylcholine và motilin và giảm nồng độ chất P (SP) và peptide đường ruột.
  • Hesperidin có thể thúc đẩy sự di chuyển của đường tiêu hóa bằng cách tăng lượng gastrin và giảm mức độ acetylcholine, motilin, chất P và peptide đường ruột.
  • Ngoài ra, chiết xuất ethyl acetate có chứa polymethoxy flavones cũng có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa.

Năm 2020 nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định về sự kết hợp giữa trần bì với mộc hương có hiệu quả rõ rệt trong điều trị táo bón. 

Nghiên cứu của Đại học y khoa Hắc Long Giang năm 2018 cho thấy trần bì có thể được uống với trà, chế biến thức ăn, ngâm rượu hoặc dùng làm thuốc. Bất kể hình thức sử dụng nào, trần bì không chỉ thể hiện tác dụng hiệp đồng mà còn có những điểm mạnh riêng. Các nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh rằng trần bì có hoạt tính sinh học rõ rệt, đặc biệt là đối với các bệnh về hệ tiêu hóa và hô hấp. Các hoạt tính sinh học của CRP rất hữu ích cho ứng dụng lâm sàng của nó và mang lại triển vọng phát triển thuốc cũng như các sản phẩm thực phẩm và sức khỏe cho con người. 

Một nghiên cứu của Việt Nam thực hiện năm 2003 – “Nghiên cứu phương thuốc nhị trần thang gia giảm điều trị hen suyễn” đăng trên Tạp chí dược học cũng có tác dụng trị ho có đờm, hen suyễn khi kết hợp với các vị thuốc khác. 

2.2. Tác dụng chống oxy hóa của trần bì

Một nghiên cứu mới đây của y học hiện đại đã lý giải cho bí ẩn về công dụng tuyệt vời của loại trần bì để lâu năm. Theo nghiên cứu này thì các loại nấm phát triển trên bề mặt của PCR, đặc biệt là chủng Aspergillus niger , có thể làm tăng hàm lượng flavonoid và thúc đẩy quá trình chuyển hóa flavonoid và các sản phẩm biến đổi của nó có nhiều nhóm hydroxyl trong vòng A. Do đó, khả năng chống oxy hóa của nó được tăng cường rất nhiều. 

Kết quả thử nghiệm này cũng cung cấp một bằng chứng khác về lý do “trần bì càng cũ, càng lâu càng tốt”. Điều này không chỉ liên quan đến các thành phần hương thơm dễ bay hơi được báo cáo, mà còn liên quan đến sự thay đổi của flavonoid. Đồng thời, chủng Aspergillus niger, được phân lập từ bề mặt của PCR, cũng sẽ có triển vọng ứng dụng lớn trong việc chiết xuất flavonoid hiệu quả cao, chuyển đổi các thành phần hoạt tính và cải thiện chất lượng của trần bì.

2.3. Ứng dụng vị thuốc trần bì trong điều trị bệnh lý Tim mạch

Mới đây, năm 2020 Đại học Y Nam Kinh đã công bố nghiên cứu về tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh cơ tim phì đại của trần bì. 

Nghiên cứu được tiến hành trên mô hình chuột. Trần bì có thể làm:

  • giảm đáng kể rối loạn chức năng tim do thuốc isoproterenol (ISO) – một thuốc điều trị bệnh tim mạch và co thắt phế quản
  • ức chế sự phì đại bệnh lý của tim
  • làm giảm quá trình xơ hóa cơ tim và quá trình apoptosis

Cũng trong năm 2020, nghiên cứu của Đại học Y khoa bắc kinh cho kết quả trần bì có thể ngăn ngừa phì đại tim bệnh lý do thuốc Angiotensin II gây ra. Bằng chứng là trần bì cải thiện chức năng tim, giảm sự phát triển phì đại và giảm xơ hóa tim.

Đây là một tác dụng mới, ít được biết đến trong y học cổ truyền trước đây. 

2.4. Trần bì với các bệnh rối loạn chuyển hóa và béo phì

Ức chế lipase tuyến tụy là một cách tiếp cận hấp dẫn để điều trị béo phì và các rối loạn chuyển hóa khác. Các chất phytochemical tự nhiên là nguồn ức chế lipase đầy hứa hẹn. 

Năm 2018, một nghiên cứu của Đại học Dược Trung Quốc về trần bì được đăng tải trên Tạp chí Phytomedicine,. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học nhận thấy Flavonoid có tương quan thuận với các hoạt động chống lipase của trần bì, và polymethoxyflavone đóng một vai trò quan trọng trong tác dụng hạ lipid máu của trần bì Nobiletin có thể là chất ức chế lipase tiềm năng nhất có trong CRP.  

2.5. Kháng khuẩn

Ngoài hoạt tính chống oxy hóa, Trần bì còn được phát hiện có khả năng kháng khuẩn tốt. Sáu chủng vi sinh vật bao gồm Escherichia coliStaphylococcus aureusStaphylococcus epidermidisEnterococcus faecalisSalmonellatyphi và Enterobacter cloacae đã được sử dụng trong các thử nghiệm của Đại học y học cổ truyền Quảng Châu – 2007. Hesperidin có trong trần bì có phổ kháng khuẩn rộng, và tác dụng kháng khuẩn cũng được thể hiện trong các xét nghiệm. Ngoài Hesperidin thì Tangeretin và Nobiletin cũng có hoạt tính kháng khuẩn nhưng thấp hơn. 

Cũng trong nghiên cứu này một lần nữa các nhà khoa học tái khảng định Hesperidin, Tangeretin và Nobiletin đều có hoạt động chống oxy hóa ở một mức độ nào đó trong tất cả các phương pháp được thử nghiệm. 

2.6. Chống viêm thần kinh

Ức chế quá trình viêm thần kinh qua trung gian kích hoạt microglial đã trở thành mục tiêu thuyết phục cho sự phát triển của thực phẩm chức năng để điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh. Hesperidin là flavonoid chủ yếu nhất trong trần bì, tiếp theo là tangeretin và nobiletin. Ở mức 2  mg / ml, chiết xuất trần bì làm giảm tiết NO, TNF-α, IL-1β và IL-6 do lipopolysaccharide gây ra lần lượt là 90,6%, 80,2%. Nhìn chung, trần bì có khả năng chống viêm thần kinh mạnh mẽ, được cho là do tác dụng chung của hesperidin, nobiletin và tangeretin. Đây là kết luận được Đại học công nghệ y dược Nguyên Bội – Đài loan công bố năm 2013.

2.7. Trần bì với COVID-19

Đại dịch COVD – 19 đang hoành hành trên toàn thế giới. Hàng triệu người mắc bệnh và cũng có hàng triệu người đã tử vong. Những hiểu biết về COVID 19 cũng như cách điều trị đặc hiệu vẫn đang thu hút sự chú ý và tập trung nghiên cứu của các chuyên gia y tế. 

Năm 2020 Viện Đông Y Hàn Quốc tiến hành nghiên cứu thuốc thảo dược trong điều trị COVID -19. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 9 hướng dẫn cung cấp công thức thảo dược để sử dụng trên lâm sàng cho người. Có 12 công thức thảo dược với tổng số 53 loại thảo mộc được khuyến nghị theo hướng dẫn. Kết quả phân tích thống kê cho thấy tần suất xuất hiện của trần bì xếp thứ 2 trong  số các thảo dược được dùng. Đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy sự kết hợp mạnh mẽ giữa trần bì và cam thảo trong các bài thuốc được nghiên cứu. 

Ngay từ tháng 1 năm 2020, Cục Quản lý Y học Cổ truyền Trung Quốc đã tiến hành “Nghiên cứu sàng lọc các đơn thuốc hiệu quả trong y học cổ truyền Trung Quốc để phòng ngừa và điều trị viêm đường hô hấp do nCoV”. Trong bài thuốc của Bệnh viện Trung Y Hồ Bắc đã được nghiên cứu và ứng dụng có tất cả 13 vị thuốc trong đó có trần bì và cam thảo. 

3. Một số lưu ý khi sử dụng trần bì

Trần bì có thể sử dụng dưới nhiều hình thức như pha trà, gia vị nấu ăn, ngâm rượu, làm thuốc… 

Mặc dù trần bì an toàn trong sử dụng nhưng vẫn có nhưng lưu ý khi bạn lựa chọn sử dụng trần bì

Theo quan niệm đông y, những đối tượng sau không nên dùng trần bì:

  • Âm hư, dương hư, chứng thoát
  • Không thấp, không trệ, không đàm thì ít dùng. Người âm hư ho khan không có đờm, thổ huyết không dùng Trần bì.

Tốt nhất bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng trần bì tại nhà. 

BS Thanh Mai

Nội khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *