Thời tiết thay đổi người bệnh vảy nến nên làm gì?

Tính chất của da sẽ thay đổi theo mùa. Da bạn thường khô hơn vào mùa thu đông và tiết nhiều dầu nhờn và mùa xuân hè. Đây là tình trạng sinh lý của da. Tuy nhiên nếu bạn bị vảy nến việc chăm sóc da để ngăn da khô, da nhờn càng trở nên có ý nghĩa. Trong khi các tháng xuân hè thường có lợi hơn cho bệnh vảy nến nhưng vẫn còn nhiều thách thức với người bệnh liên quan đến sự thay đổi của thời tiết.

Mùa đông

Mùa đông có lẽ là mùa mà người bệnh vảy nến ghét nhất trong năm, tạo ra nhiều khó khăn trong việc kiểm soát và điều trị vảy nến. Không khí lạnh và khô khiến da dễ mất nước, các tổn thương da tiến triển nặng với nhiều vùng bong tróc vảy, tăng cảm giác ngứa.

  • Bạn có thể làm ẩm da để làm giảm các triệu chứng của bệnh vảy nến. Bạn cần một loại kem dưỡng ẩm cao, khả năng dưỡng ẩm cao ngay cả thời tiết lạnh khô của mùa đông. Tuy nhiên bạn cần chắc chắn rằng loại kem bạn đang dùng không có thành phần chất tạo màu (thuốc nhuộm), nước hoa bởi đây là những loại chất này có thể làm nặng thêm tình trạng tổn thương da.
  • Bạn cũng nên chủ động giữ ấm cơ thể bằng cách mặc nhiều lớp quần áo. Chất liệu vải cotton được coi là loại phù hợp với làm da của người bệnh vảy nến. Các loại vải len, tơ nhân tạo, polyester có thể khiến da bạn bị cọ sát nhiều, khô đỏ và ngứa hơn.
  • Nơi ở và làm việc bạn cũng nên sử dụng các máy tạo độ ẩm, máy phun sương nhất là khi bạn sử dụng điều hòa.
  • Nên tắm nhanh bằng nước ấm, không nên tắm nước quá nóng, nên sử dụng sữa tắm, sữa rửa mặt tăng độ ẩm thay vì xà phòng.

Mùa xuân

Mùa xuân thời tiết thường ấm áp, độ ẩm tương đối cao vì thế các triệu chứng ngoài da của bệnh vảy nến cũn thuyên giảm.

Bạn có thể không cần kem dưỡng ẩm cao nhưng vẫn nên lựa chọn loại kem dưỡng da tốt và nên sử dụng chúng vào nhiều thời điểm trong ngày đặc biệt là sau khi tắm.

Mặc dù thời tiết mùa xuân đem lại những điều tích cực cho làn da tuy nhiên đây ại là mùa khởi phát của các bệnh dị ứng. Dị ứng phấn hoa là một trong số các dị nguyên gây dị ứng ở nhiều người. Nếu bạn có cơ địa dị ứng nên chủ động sử dụng các thuốc kháng histamine để ngăn chặn triệu chứng dị ứng sớm. Phấn hoa không chỉ gây hắt hơi, sung huyết niêm mạc mũi… nó còn gây ngứa da và chàm ở một số người. Đây có thể là một sự kết hợp mang nghĩa tiêu cực ở người bệnh vảy nến.

Mùa hè

Không khí mùa hè dường như đem lại nhiều lợi ích cho làn da dù bạn có hay không bị bệnh vảy nến, bởi nhiệt độ và độ ẩm của mùa hè giúp làm giảm khô và ngứa da.

Mùa hè mọi người thường tổ chức các hoạt động ngoài trời. Việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mức độ vừa phải là một sự lựa chọn tốt. Tuy nhiên nếu bạn có dự định ở dưới ánh nắng mặt trời lâu hơn 15 phút bạn nên thoa kem chống nắng phổ rộng. Bị cháy nắng có thể làm các triệu chứng bệnh vảy nến của bạn trở nên tồi tệ.

Việc hoạt động ngoài trời cũng đem lại những rủi ro nhất định liên quan đến sự tiếp xúc với côn trùng. Vết cắn từ các loại côn trùng có thể khiến cho tổn thương da lâu lành và dễ bị nhiễm trùng. Bạn nên xịt thuốc chống côn trùng để bảo vệ bản thân. Nên chọn các loại thuốc xịt không chứa DEET bởi hoạt chất Diethyltoluamide có thể gây kích ứng da, đỏ da, phát ban, mụn rộp…

Bơi lội là một lựa chọn thông thái cho các hoạt động thể thao vào mùa hè dành cho người bệnh vảy nến. Nên tắm biển vì nước muối ít gây kích ứng da hơn nước có thành phần clo. Trường hợp bơi lội tại các bể bơi, bạn nên tắm lại bằng nước sạch ngay sau khi bơi. Không nên bơi tại các bể nước nóng hoặc suối nước nóng.

Mùa thu

Tùy thuộc vào nơi bạn sống mà nhiệt độ mùa thu có sự khác biệt. Tuy nhiên đa phần các vùng lãnh thổ mùa thu cũng có sự giảm nhiệt đáng kể song độ ẩm vẫn được duy trì ở mức làn da có thể chấp nhận. Hãy thủ sẵn cho mình loại kem dưỡng da phù hợp với làn da bạn đồng thời cũng nên hạn chế tắm nước nóng hoặc mặc quần áo dày vì điều này làm tăng kích ứng da.

Thời tiết mùa thu khá mát mẻ và phù hợp với các bài tập yoga hoặc thiền để giúp bạn thư giãn hơn, giảm căng thẳng và hạn chế được các đợt bùng phát của vảy nến.

Mùa thu đông cũng là thời điểm của cúm và cảm lạnh. Bạn nên chủ động nâng cao sức đề kháng của hệ thống miễn dịch bằng cách ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và rửa tay thường xuyên. Tiêm vắc xin phòng cúm là giải pháp an toàn và hiệu quả bảo vệ bạn vào thời điểm giao mùa.

Thời tiết biến đổi, làn da của bạn cũng sẽ thay đổi theo. Bằng cách tìm hiểu rõ đặc điểm thời tiết theo mùa và chủ động phòng ngừa các bệnh thường gặp, sử dụng các mẹo được hướng dẫn ở trên kết hợp với việc nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể sẽ giúp người bị vảy nến tránh được các đợt bùng phát bệnh. Điều quan trọng là bạn cần duy trì điều trị, theo dõi cơ thể và báo ngay với bác sỹ điều trị về những biến đổi tiêu cực của cơ thể để có thể kịp thời xử trí sớm. 

Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/psoriasis/seasons

BS Thanh Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *