Những điều cần biết về cúm H1N1

Bệnh cúm nói chung trong đó có cúm H1N1 là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra và có khả năng lây nhiễm cao. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường xảy ra theo mùa. Trong lịch sử, có rất nhiều đại dịch cúm làm chết hàng triệu người. Ngày nay một số đối tượng như trẻ em, người già, phụ nữ có thai và một số người mắc các bệnh mạn tính vẫn có thể gặp nguy hiểm ngay cả khi bị nhiễm cúm thông thường.

Cúm có nhiều loại khác nhau trong đó có cúm H1N1 và chủng cúm này vẫn được xem là một loại cúm thông thường mặc dù thời gian qua đã gây ra một số trường hợp tử vong tại Việt Nam.

Chẩn đoán bệnh nhiễm cúm H1N1

Chẩn đoán cúm chủ yếu dựa vào triệu chứng và chỉ định danh được chủng cúm bằng cách lấy dịch mũi-họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.

a. Các triệu chứng nhiễm cúm chung

Triệu chứng có thể rất khác nhau giữa người này và người khác nhưng thường bao gồm các triệu chứng sau:

Các triệu chứng của cúm

  • Sốt (nhiệt độ thường cao hơn 38ºC)
  • Nhức đầu và đau cơ
  • Mệt mỏi, biếng ăn
  • Ho và đau họng cũng có thể gặp

Người bị cúm thường sốt 2-5 ngày. Điều này khác với các bệnh do vi rút khác của đường hô hấp thường hết sốt sau 24 đến 48 giờ. Nhiều người bị cúm có sốt và đau cơ và một số người khác có triệu chứng cảm lạnh như chảy mũi và đau họng. Các triệu chứng cúm thường cải thiện sau 2-5 ngày mặc dù bệnh có thể kéo dài một tuần hoặc hơn. Các triệu chứng mệt mỏi hay yếu cơ có thể kéo dài hàng tuần. Cần phân biệt các triệu chứng của bệnh cảm lạnh và cúm với bệnh cúm theo bảng sau

Triệu chứngCảm lạnhCảm cúm
SốtHiếmThường gặp, sốt cao (trẻ nhỏ) và kéo dài 3 và 4 ngày
Nhức đầuHiếmHay gặp
Đau nhứcNhẹHay gặp, đau nhiều
Mệt mỏi, yếu ngườiĐôi khiHay gặp, có thể kéo dài 2-3 tuần
Kiệt sứcKhôngHay gặp, ngay từ khi bắt đầu bệnh
Nghẹt mũiHay gặpĐôi khi
Hắt hơiHay gặpĐôi khi
Đau họngHay gặpĐôi khi

Cúm có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai. Viêm phổi hay gặp nhất là tình trạng phổi bị nhiễm trùng nặng thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão hay và những người có mắc một số bệnh khác như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim-phổi. Viêm phổi cũng hay xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm.

b. Xét nghiệm

– Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên:

  • Real time RT-PCR là xét nghiệm xác định vi rút cúm A (H1N1). Bệnh phẩm là dịch ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản (lấy càng sớm càng tốt).
  • Nuôi cấy vi rút: thực hiện ở những nơi có điều kiện.

– Công thức máu: số lượng bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ.

– X quang phổi: có thể có biểu hiện của viêm phổi không điển hình.

c. Chẩn đoán

– Trường hợp nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp.

– Trường hợp xác định đã mắc bệnh: Có biểu hiện lâm sàng cúm và xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm vi rút cúm A (H1N1).

– Người lành mang vi rút: Không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A(H1N1).

Điều trị và phòng ngừa bệnh cúm h1n1

a. Điều trị cúm

Hầu hết bệnh nhân bị cúm tự hết sau 1-2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra. Nên liên hệ đi khám để được đánh giá đầy đủ khi:

  • Cảm thấy khó thở
  • Cảm thấy đau hay đè ép lồng đau thắt ngực
  • Có dấu hiệu mất nước như chóng mặt khi đứng hay không đi tiểu
  • Thấy lơ mơ
  • Nôn liên tục hay không thể uống đủ nước

Ở trẻ em, nếu có một trong các triệu chứng trên hay nếu trẻ có các biểu hiện sau thì nên đi khám: 

  • Da xanh tái
  • Bứt rứt nhiều
  • Khóc không có nước mắt (sơ sinh) 
  • Sốt kèm nổi ban 
  • Đánh thức không dễ dàng

Có nhiều nhóm người có nguy cơ biến chứng cao như phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (<5 tuổi và đặc biệt < 2 tuổi), người có bệnh mạn tính như bệnh phổi mạn (hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), bệnh tim mạch, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, ghép tạng) và một số các bệnh khác. Nếu bạn và con/cháu bạn có triệu chứng cúm và thuộc nhóm có nguy cơ biến chứng cao thì nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn kịp thời.

b. Điều trị triệu chứng

Điều trị triệu chứng cúm giúp bạn cảm thấy khỏe hơn nhưng không thể giúp bệnh cúm hết nhanh hơn. Nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn; đặc biệt khi bệnh nặng. Uống đủ nước để không bị mất nước. Một cách để xem mình đã uống đủ nước chưa là xem màu sắc của nước tiểu. Nước tiểu bình thường có màu trắng vô sắc (không màu) hay màu vàng lợt. Nếu uống đủ nước thì bạn sẽ đi tiểu mỗi 3-5 giờ một lần.

c. Điều trị bằng thuốc

– Acetaminophen (còn gọi là paracetamol) có thể hạ sốt, giảm nhức đầu và đau cơ. Aspirin cũng có thể giảm đau và hạ sốt nhưng không được khuyên dùng phổ biến vì nhiều tác dụng phụ.

– Thuốc ho thường ít khi có ích và ho thường tự hết mà không cần điều trị. Không nên dùng thuốc ho và thuốc cảm cho trẻ dưới 6 tuổi. 

– Thuốc chống vi rút có thể được dùng để điều trị hay phòng ngừa cúm, tuy nhiên thuốc này không phổ biến ở nước ta và thường chỉ được dùng trong mùa dịch. Phần lớn người mắc cúm không cần phải sử dụng đến thuốc này mà chỉ những người có triệu chứng nặng hay có nguy cơ bị biến chứng cao mới được bác sĩ chỉ định dùng thuốc này. Các thuốc chống vi rút cúm bao gồm oseltamivir (Tamiflu®) and zanamivir (Relenza®). Thuốc chống vi rút có hiệu quả nhất khi dùng trong 48 giờ đầu.

Theo phác đồ của Bộ Y Tế, cách sử dụng thuốc như sau:

– Oseltamivir (Tamiflu):

  • Người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: 75mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
  • Trẻ em từ 1-13 tuổi: dùng dung dịch uống tuỳ theo trọng lượng cơ thể
    • < 15 kg: 30 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
    • 16 – 23 kg: 45 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
    • 24 – 40 kg: 60 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
    • 40 kg: 75 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
  • Trẻ em dưới 12 tháng:
    • < 3 tháng: 12 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
    • 3 – 5 tháng: 20 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.
    • 6 – 11 tháng: 25 mg x 2 lần/ngày x 5 ngày.

– Zanamivir: dạng hít định liều. Sử dụng trong các trường hợp không có oseltamivir, trường hợp chậm đáp ứng hoặc kháng với oseltamivir.

  • Người lớn và trẻ em trên 7 tuổi: 2 lần xịt 5mg x 2 lần/ngày.
  • Trẻ em: Từ 5-7 tuổi: 2 lần xịt 5 mg x 1 lần/ngày.

– Trường hợp nặng có thể kết hợp oseltamivir và zanamivir.

– Trường hợp đáp ứng chậm với thuốc kháng vi rút: thời gian điều trị có thể kéo dài đến khi xét nghiệm hết vi rút.

– Cần theo dõi chức năng gan, thận để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.

– Kháng sinh không phải là thuốc dùng để chữa bệnh do vi rút như cúm. Kháng sinh chỉ nên dùng khi có biến chứng nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng tai hay viêm xoang. Dùng kháng sinh không đúng có thể gây hại như bị tác dụng phụ của thuốc và tạo ra vi trùng kháng thuốc.

– Các điều trị khác ngoài tây y: Có nhiều cách điều trị cúm ngoài tây y như sử dụng cây cỏ, đông y, gia truyền…. Tuy nhiên vì chưa có các nghiên cứu hợp lý nên khó đánh giá hiệu quả cũng như tính an toàn của các phương pháp điều trị này.

ThS BS Nguyễn Như Vinh – BV Đại học Y dược TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *