Kinh hoàng: Cấy tóc trị hói ở cơ sở tư nhân khiến đầu chi chít ổ áp xe

TS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ đã tiếp nhận nam thanh niên 32 tuổi bị hói đầu nhiều năm nay nhưng đến trung tâm thẩm mỹ tại Hà Nội để cấy tóc nhân tạo nhưng da đầu bị viêm và có hàng trăm ổ áp xe khiến anh phải nhập viện.

Bệnh nhân là anh N.H.A. mới 32 tuổi nhưng bị hói đầu nhiều năm nay. Toàn bộ vùng trán không có tóc khiến anh luôn tự ti khi tiếp xúc với mọi người, trong công việc và cả cuộc sống hàng ngày.

Theo lời kể của bệnh nhân, nghe nói phương pháp chữa mọc tóc nào hiệu quả anh đều thử, sau khi thử nhiều phương pháp như bôi thuốc, bổ sung thực phẩm chức năng… nhưng tóc anh không mọc, anh quyết định tới một trung tâm thẩm mỹ tại Hà Nội để cấy tóc nhân tạo với chi phí cả trăm triệu đồng để mong hết hói đầu.

Tuy nhiên, với số tiền nhiều nhưng sau vài tháng, các sợi tóc mới trên đầu anh A bắt đầu gãy, mục khiến da đầu bị viêm kéo dài. Nghiêm trọng hơn trên đầu anh xuất hiện hàng trăm ổ áp xe (dạng mưng mủ) khiến anh A. phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương điều trị.

Sau khi khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hói hay còn gọi là rụng tóc androgen. Toàn bộ vùng cấy tóc của bệnh nhân bị phản ứng với tóc mới cấy, tạo áp xe quanh chân tóc. Với trường hợp này các bác sĩ phải lấy hết tóc giả vì đây là cấy tóc nhựa, sau đó trị lành thương tổn viêm da đầu.

“Do các sợi tóc nhân tạo đã bị mủn nên các bác sĩ rất khó để lấy ra khỏi da đầu cho bệnh nhân. Đồng thời, việc phục hồi tóc, da đầu cho bệnh nhân sẽ vô cùng khó khăn và mất thời gian”- BS Hà chia sẻ thêm.

Rụng tóc androgen là loại gặp ở nam nhiều hơn nữ. Tuổi ở nam thường ≥ 30-40, trong khi nữ xuất hiện muộn hơn. Phần lớn bệnh nhân (cả nam và nữ) có nội tiết bình thường nhưng do nang tóc có thụ cảm đặc biệt với testosteron làm chu kỳ “rụng – mọc” của tóc giảm xuống, tóc rụng nhiều hơn mọc đưa đến “hói”. Cơ chế tác động của androgen lên tế bào nang tóc dẫn đến AGA thì chưa rõ. Một số bệnh nhân có tăng androgen.

Ở nam giới, đầu tiên tóc rụng thưa dần ở phía trước trán, tạo thành hình lượn sóng chữ M, sau rụng đến vùng giữa đỉnh đầu và dần dần hói hoàn toàn phía trên (trán và đỉnh chẩm), riêng vùng thái dương hai bên và gáy vẫn còn tóc.

Ở nữ giới tóc rụng lan toả, tóc mỏng thưa đi. Ở nữ trẻ bị AGA có thể thấy các dấu hiệu nam tính hoá như có trứng cá, lông ở quá nhiều thân mình và vùng mặt, kinh nguyệt không đều. Bệnh tiến triển từ nhiều năm đến hàng chục năm.

Theo TS. Vũ Thái Hà, nhiều người có nhu cầu cấy tóc để điều trị hói đầu nhưng các biện pháp điều trị hói đầu hiện nay không cho hiệu quả ngay, hoặc lâu dài, trong khi rất tốn kém.

Được biết, trường hợp của anh A. chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị sau khi cấy tóc ở cơ sở tư nhân.

Vì vậy, khi bị hói đầu, rụng tóc cần tới bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Không điều trị theo mách bảo, không đến cơ sở không có chuyên môn điều trị khiến tiền mất tật mang- BS Hà khuyến cáo.

Cấy tóc hiện nay có 2 dạng, tự thân và nhân tạo (hay còn gọi là cấy tóc sinh học). Với cấy tóc tự thân, nếu kỹ thuật viên cắt quá nhiều vùng tóc từ chỗ này sang chỗ khác thì người cấy tóc sẽ bị sẹo giãn trên da đầu. Hay khi thực hiện cắt tóc thì tóc từ vùng bị cắt có số lượng tóc chết nhiều và nếu tách nang tóc không đúng sẽ bỏ mất phần gốc của nang tóc khiến tỷ lệ sống của tóc chỉ còn 10% – 20%. Kết quả này sẽ khiến tóc rụng hết.

Do đó các bác sĩ cảnh báo, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng hói đầu, rụng tóc cần tới các bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra. Tùy với từng trường hợp sẽ có các biện pháp điều trị riêng biệt. Với nhiều trường hợp nếu rụng tóc chưa để lại sẹo, vẫn còn nang tóc có thể sử dụng các loại thuốc chuyên trị, kích thích nang tóc phát triển và tóc mọc trở lại.

Lê Mai – Báo Sức khỏe đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *