Kiểm soát và điều trị rối loạn mỡ máu

Tỷ lệ số người mắc các bệnh chuyển hóa trong đó có rối loạn mỡ máu đang ngày một gia tăng. Nguyên do có thể bắt nguồn từ lối sống tĩnh tại và chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Việc điều trị và kiểm soát rối loạn mỡ máu cần có một kế hoạch chi tiết cụ thể từ thay đổi lối sống đến việc dùng thuốc hiệu quả.  

1. Những quan niệm sai lầm về mỡ máu và rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu không phải bệnh nan y nhưng để kiểm soát chỉ số mỡ máu trong ngưỡng an toàn không phải là điều dễ dàng. Sự khó khăn này đến từ chính những quan niệm sai lầm về mỡ máu và rối loạn mỡ máu

Quan niệm 1: Bạn không cần kiểm tra mỡ máu (cholesterol) cho đến khi bạn đến tuổi trung niên

Sự thật: Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn nên kiểm tra mức cholesterol một lần trong độ tuổi từ 9 đến 11 tuổi và một lần nữa trong độ tuổi từ 17 đến 21 tuổi. Tần suất xét nghiệm này được áp dụng cho những người không nằm trong đối tượng nguy cơ cao bị rối loạn mỡ máu. Theo khuyến cáo của Hội Tim Mạch Học Việt Nam, tất cả những người lớn trên 20 tuổi nên được xét nghiệm 5 năm một lần các thành phần cơ bản của mỡ máu bao gồm: cholesterol toàn phần, LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglycerides.

Quan niệm 2: Chỉ những người thừa cân béo phì mới bị rối loạn mỡ máu

Sự Thật: Tất cả mọi người đều có khả năng bị rối loạn mỡ máu. Những người bị thừa cân hoặc béo phì thì tỷ lệ mắc bệnh của họ cao hơn tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những người gầy không có khả năng bị.

Quan niệm 3: Uống thuốc hạ mỡ máu là ổn và không cần phải thực hiện chế độ ăn kiêng hay thay đổi lối sống.

Sự Thật: Khi bạn bị rối loạn mỡ máu bạn cần tuân thủ việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Tuy nhiên  ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn, bạn cũng cần chủ động có một chế độ ăn uống có lợi tim mạch nói riêng và sức khỏe nói chung để kiểm soát các chỉ số mỡ máu, dự phòng các biến cố tim mạch có thể xảy ra.

Quan niệm 4: chỉ số mỡ máu bình thường sẽ được duy trì mãi và không cần kiểm tra lại

Sự thật: Chỉ số mỡ máu của bạn tốt ngày hôm nay không có nghĩa là tốt mãi mãi. Đây là các chỉ số có sự biến động liên tục và gần như không giống nhau giữa các lần kiểm tra. Để duy trì ngưỡng bình thường của các chỉ số mỡ máu bạn cần duy trì một lối sống lành mạnh. Và nên suy trì thói quen xét nghiệm máu định kỳ để chắc rằng chỉ số mỡ máu của bạn không vượt quá giới hạn cho phép.

Quan niệm 5: Trẻ em không cần quan tâm đến các vấn đề liên quan đến rối loạn mỡ máu

Sự thật: Trẻ em vẫn có nguy cơ bị rối loạn mỡ máu đặc biệt là rối loạn mỡ máu do gen và các trường hợp gia đình có bố mẹ bị rối loạn mỡ máu. Những trẻ bị rối loạn mỡ máu cũng có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch như người lớn. Việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm các trường hợp này là cần thiết. 

Quan niệm 6: Những người bị rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch phải kiêng hoàn toàn chất béo

Sự Thật: Chất béo cũng phân chia thành chất béo tốt và chất béo xấu. Các chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa là những chất béo xấu làm tăng LDL – cho và tập trung chủ yếu ở nhóm thực phẩm như thịt đỏ, sữa nguyên chất, bơ, dầu dừa, dầu cọ… người rối loạn mỡ máu nên hạn chế dùng. Tuy nhiên với các chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu gạo, dầu đậu nành, óc chó, hạnh nhân… không những giúp giảm LDL – cho mà còn giúp tăng HDL – cho một cách đáng kể và rất tốt cho người bị rối loạn mỡ máu hay bệnh tim mạch

Trên đây là 6 quan niệm sai lầm phổ biến về mỡ máu và rối loạn mỡ máu. Câu hỏi đặt ra là vậy điều trị và kiểm soát rối loạn mỡ máu như thế nào là đúng?

2. Điều trị và kiểm soát rối loạn mỡ máu 

2.1. Mục tiêu cần đạt

Điều trị phù hợp từng cá thể với các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch khác nhau.

Để đưa ra được mục tiêu điều trị cần xác định những yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến các biến cố tim mạch. Một số người cần kiểm soát LDL dưới 2,58 mmol/l hoặc thậm chí 1,8mmol/l.

  • Bệnh mạch vành (BMV): gồm tiền sử nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực..
  • Các bệnh lý có mức nguy cơ tương đương bệnh mạch vành: đái tháo đường, bệnh mạch máu ngoại vi, phình động mạch chủ, bệnh lý động mạch cảnh, cơn thiếu máu não thoáng qua…
  • Các nguy cơ quan trọng khác:
  • Hút thuốc lá
  • Tăng huyết áp
  • Tiền sử gia đình có người bị bệnh mạch vành
  • Nam trên 45 tuổi và nữ trên 55 tuổi
  • HDL – cho thấp dưới 40mg/dL (1.03mmol/L)

Dựa vào các yếu tố nguy cơ trên ATP III đưa ra ngưỡng LDL – cho mục tiêu cho từng nhóm người như sau

Phân chia theo nhóm đối tượng nguy cơLDL – cho mục tiêu
Không mắc BMV hoặc bệnh lý tương đương BMV<160mg/dL (4.1mmol/L)
Không mắc BMV hoặc bệnh lý tương đương BMV và có ≥ 2 yếu tố nguy cơ khác<130mg/dL (3.4mmol/L)
Có BMV hoặc bệnh lý tương đương MBV<100mg/dL (2.6mmol/L)

2.2. Các phương pháp điều trị

Trong phác đồ điều trị rối loạn mỡ máu thì thay đổi lối sống là nền tảng. Khi thay đổi lối sống không đạt được kết quả cần thiết thì các bác sỹ có thể sẽ chỉ định việc dùng thuốc hạ mỡ máu.

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt: tăng cường vận động, hạn chế chất béo xấu, các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, không hút thuốc lá và uống rượu bia, tập thể dục thường xuyên và duy trì cân nặng hợp lý
  • Có thể sử dụng các thuốc thuộc nhóm Statin, thuốc gắn acid mật, nhóm thuốc acid nicotinic…

Khi nào thì dùng thuốc hạ mỡ máu

Đối với các chỉ số của cholesterol việc điều trị tập trung vào hạ LDL – cho. Tùy thuộc vào nồng độ LDL – cho, các bệnh lý kèm theo (đặc biệt là đái tháo đường, bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên…) mà các bác sỹ sẽ quyết định việc bạn có thể dùng phương pháp không dùng thuốc để hạ mỡ máu hay phải sử dụng thuốc để kiểm soát các chỉ số mỡ máu.

Bên cạnh đó mặc dù nguy cơ bệnh tim mạch gia tăng khi triglyceride lúc đói > 1.7mmol/L nhưng việc sử dụng thuốc giảm triglyceride chủ có thể xem xét ở những đối tượng nguy cơ cao hoặc có mức triglyceride > 2.3mmol/L và không thể giảm bằng các biện pháp lối sống.

Các loại thuốc hạ mỡ máu hiện nay và ưu nhược điểm

Nhóm thuốcTác dụng điều trịTác dụng không mong muốn
Thuốc statinGiảm LDL – cho

Tăng HDL – cho

Giảm Triglyceride

Ổn định mảng xơ vữa, chống viêm.

Giảm các nguy cơ bị bệnh tim mạch hoặc ngăn ngừa tái phát/tiến triển bệnh tim mạch

Đau cơ

Rối loạn tiêu hóa

Suy giảm trí nhớ ở một số người

Hiếm hơn có thể gây tổn thương gan.

Tác dụng không mong muốn thường xuất hiện ở người già và có sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác.

Thuốc ức chế hấp thu cholesterolLàm giảm được cholesterol bằng cách giảm hấp thu từ ruột non qua đó. Ezetimibe là thuốc đại diện cho nhóm thuốc này.Khi dùng đơn độc, ezetimib có thể gây một số tác dụng phụ như: đau lưng, đau khớp. Khi phối hợp với các statin, sự phối hợp gây tác dụng phụ đau lưng, đau vùng thượng vị, có thể làm tăng men gan AST, ALT, phát ban đỏ da…
Thuốc gắn với acid đường mậtNgăn cản sự hấp thu mật từ ruột, tác động vào cơ chế điều hóa ngược các thụ thể LDL thu nhận cholesterol lưu hành để sản xuất mật. Thuốc thường được dùng phối hợp với statin hoặc acid nicotinic để tăng cường tác dụng giảm LDL – cho. Thuốc dùng được cho trẻ em và phụ nữ mang thai.Táo bón, buồn nôn, chuột rút, tăng men gan và có thể tăng tryglyceride nên không dùng được cho người bệnh có tăng tryglyceride kèm theo.
Thuốc FibratesGiảm triglycerides

Tăng HDL. Thuốc này có thể phối hợp với thuốc nhóm statin để điều trị một số rối loạn mỡ máu hỗn hợp

Tác dụng không mong muốn là tăng men gan, các bệnh về cơ như viêm cơ, yếu cơ, tiêu cơ vân…
NiacinThuốc thuộc nhóm không kê đơn. Thuốc này tác động qua trung gian gan khi tổng hợp chất béo. Đây là nhóm thuốc làm tăng HDL tốt và thường được dùng phối hợp với thuốc nhóm statin.Khi dùng thuốc này có thể gây đau đầu, bừng mặt, giảm thị lực, tăng tình trạng rối loạn dung nạp glucose, tăng acid uric thúc đẩy bệnh gout, tăng men gan (ít)

Theo dõi điều trị rối loạn mỡ máu

Các chỉ số mỡ máu cần được kiểm tra định kỳ sau khi bắt đầu điều trị. Hiện chứ có dữ liệu nghiên cứu về thời gian làm lại xét nghiệm cố định là bao lâu tuy nhiên trên thực tế bạn nên làm xét nghiệm lại sau 2 – 3 tháng điều trị hoặc khi thay đổi thuốc điều trị và cũng cần kiểm tra xét nghiệm mỗi năm 1 – 2 lần kể từ thời điểm các chỉ số mỡ máu ổn định.

Bạn cũng cần chủ động thông báo với bác sỹ điều trị về các vấn đề sức khỏe gặp phải khi sử dụng các thuốc hạ mỡ máu. Mặc dù các tác dụng phụ của các loại thuốc không nhiều  tuy nhiên người bệnh vẫn cần xét nghiệm chức năng gan và men CK (men cơ) trước – trong và sau khi dùng các thuốc hạ mỡ máu.

Kế hoạch tổng quát về thay đổi lối sống dành cho người bị rối loạn mỡ máu

17 triệu người chết mỗi năm vì bệnh lý tim mạch đa phần liên quan đến xơ vữa động mạch. Rối loạn mỡ máu chính là một trong các nguyên nhân chính gây nên tình trạng này. Để hạn chế các biến cố tim mạch thì thay đổi lối sống là điều kiện tiên quyết giúp người bị rối loạn mỡ máu có thể kiểm soát tốt chỉ số mỡ máu và dự phòng biến chứng.

Dưới đây là những khuyến cáo về chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho người rối loạn mỡ máu

  • Tránh chất béo xấu.

Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa đều làm tăng mức LDL (cholesterol “xấu”). Chất béo bão hòa chủ yếu trong các sản phẩm động vật (thịt đỏ, sữa nguyên chất, bơ và phô mai) và dầu nhiệt đới (dầu dừa, dầu cọ,…). Chất béo chuyển hóa thường có trong các loại thực phẩm chế biến sãn như khoai tây chiên, các loại bánh ngọt, thức ăn nhanh… Với người rối loạn mỡ máu tốt nhất nên hạn chế các loại thực phẩm này

  • Tăng chất béo tốt.

Chất béo không bão hòa, chẳng hạn như những chất béo có trong dầu ô liu, dầu đậu nành và các loại hạt như dầu gạo, có thể có nhiều ích lợi cho tim mạch. Ví dụ như quả óc chó và hạnh nhân có thể làm giảm LDL tới 12% trong khi tăng HDL (cholesterol “tốt).

  • Axit béo omega-3.

Axit béo omega-3 có thể làm giảm triglyceride 25-30% trong khi HDL tăng nhẹ. Vì axit béo omega 3 không được cơ thể sản xuất, mà phụ thuộc vào nguồn hải sản (cá hồi, cá trích và dầu cá), nguồn thực vật (đậu nành, dầu hướng dương, dầu gạo, quả óc chó và hạt lanh…) chứa nhiều omega 3, EPA và DHA nhất. Hội Tim mạch Việt Nam khuyên bạn nên ăn 2 bữa ăn cá / tuần và nguồn thực vật chứa nhiều omega 3. Nói chung thì cá là thực phẩm được ưa thích hơn viên nang dầu cá, nhưng trong một số trường hợp có thể bổ sung thêm khi cần thiết. Bạn cũng thận trọng vì nếu sử dụng omega 3 liều cao cũng có thể làm tăng LDL.

  • Tăng lượng chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Chất xơ hòa tan làm giảm sự hấp thu cholesterol trong ruột. Nên ăn ít nhất 25 đến 30 gram chất xơ hòa tan mỗi ngày. Ví dụ trong 100 gram yến mạch nấu chín chứa 10 gram chất xơ. Các nguồn chất xơ hòa tan tuyệt vời khác bao gồm màng gạo, chuối, hạt đậu, trái cây nhiều múi, nấm và rau xanh…

  • Tập luyện thể dục thường xuyên.

 Tập thể dục có thể tăng HDL khoảng 5% trong vòng 2 tháng kể từ khi bắt đầu một chương trình luyện tập giảm triglyceride. Tăng HDL và hạ LDL trong máu là mục tiêu điều trị rối loạn mỡ máu. Cường độ luyện tập vừa phải, ví dụ như tập aerobic là tốt nhất. Mục tiêu luyện tập 30 phút/ngày, 5 ngày tuần. Nên tập thể dục tăng cường sức mạnh để duy trì sức bền cơ bắp ít nhất hai ngày/tuần. Trước khi bắt đầu một chương trình tập luyện thể dục nên tham khảo ý kiến bác sĩ, huấn luyện viên thể dục.

  • Giảm cân nặng.

Thừa cân, béo phì làm giảm HDL và tăng triglyceride; khi giảm bớt cân nặng sẽ giúp cho cơ thể có xu hướng tăng HDL và giảm triglyceride hơn. hãy giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức lí tưởng (BMI từ 19 – 23) và vòng bụng không quá 90 ở nam giới và 75 ở nữ giới

  • Bỏ thuốc lá, thuốc lào, xì gà.

Chúng ta đều biết rằng hút thuốc có hại cho trái tim của bạn. Hút thuốc làm giảm HDL, do đó có thể làm tăng LDL.

  • Không uống quá nhiều rượu, bia.

Các thông tin xung quanh rượu và bệnh tim mạch có thể gây nhầm lẫn cho bệnh nhân và bác sĩ. Một mặt, rượu (với một lượng nhỏ mỗi ngày) có thể tăng HDL, giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, nếu uống nhiều rượu, bia có thể dấn đến tăng triglyceride và gây các tổn thương về gan, đặc biệt nếu bạn vừa uống nhiều rượu và vừa dùng thuốc giảm cholesterol máu. Tốt nhất nếu uống thì bạn nên uống rượu vang đỏ với số lượng không nên quá 142 ml mỗi ngày. Nếu bạn có triglyceride tăng cao trong máu, tốt nhất nên tránh hoàn toàn rượu, bia.

  • Thuốc điều trị cholesterol.

Thuốc điều trị cholesterol không chỉ dành cho những người có cholesterol máu cao. Trên thực tế, những người có hàm lượng cholesterol bình thường vẫn có thể có lợi ích từ thuốc giảm cholesterol máu. Sự phát triển mảng xơ vữa trong động mạch là có liên quan đến các phản ứng viêm trong cơ thể và protein phản ứng C (CRP) tăng. Trong một số nghiên cứu gần đây cho thấy những người có hàm lượng cholesterol bình thường nhưng nồng độ CRP cao, sử dụng thuốc nhóm statin điều trị cholesterol máu ít bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ và tử vong do tim mạch hơn so với những người không dùng thuốc. Do đó, có thể kiểm tra CRP ở những người có cholesterol bình thường để quyết định có nên điều trị thuốc nhóm Statin cho họ hay không.

BS Thanh Mai 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *