Đau mắt đỏ – viêm kết mạc

Viêm kết mạc có thể do vi trùng gây ra nhưng đôi khi có thể do phản ứng dị ứng. Đây là trường hợp kết mạc, màng trong suốt bao phủ tròng trắng và lớp mí mắt bên trong bị viêm (sưng và đỏ). Đôi khi viêm kết mạc được gọi là ‘đau mắt đỏ’ vì mắt nhìn có màu hồng hoặc đỏ. Cách điều trị phụ thuộc vào người bệnh bị viêm kết mạc loại nào. Viêm kết mạc có thể là vì bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Viêm kết mạc truyền nhiễm rất dễ lây.

Dấu hiệu và triệu chứng viêm kết mạc

Biểu hiện của viêm kết mạc

Một số biểu hiện thường gặp khi bị viêm kết mạc

  • một mắt đỏ hoặc hồng (hoặc cả hai mắt)
  • sau mí mắt bị đỏ
  • sưng mí mắt, khiến mắt cháu có vẻ bị sưng húp
  • chảy nước mắt quá nhiều
  • chất dịch màu vàng-xanh tiết ra từ mắt, khô lại khi con quý vị ngủ, tạo ra ghèn khô cứng quanh mí mắt
  • không ưa ánh sáng (sợ ánh sáng)
  • cảm giác cộm mắt (như có cát trong mắt)
  • ngứa mắt và dụi mắt.

Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng 24 đến 72 giờ sau khi bị nhiễm bệnh và có thể kéo dài từ hai đến ba tuần.

Nguyên nhân gây ra viêm kết mạc?

viêm kết mạc
Biểu hiện của viêm kết mạc do các nguyên nhân khác nhau

Viêm kết mạc truyền nhiễm

Viêm kết mạc có thể là vì bị nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn), rất dễ lây. Đường lây truyền viêm kết mạc do nhiễm trùng có thể qua

  • dịch chảy ra từ mắt, mũi hoặc cổ họng người bệnh khi chạm vào, ho hoặc hắt hơi
  • ngón tay hoặc đồ vật bị nhiễm siêu vi khuẩn hoặc vi khuẩn
  • nước hoặc khăn tắm bị nhiễm siêu vi khuẩn hoặc vi khuẩn khi bơi lội.

Người bị viêm kết mạc truyền nhiễm sẽ vẫn lây bệnh nếu mắt họ vẫn tiếp tục tiết dịch.

Nếu người bệnh bị viêm kết mạc truyền nhiễm, không nên để cho người bệnh sử dụng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy (tissue), đồ trang điểm, khăn tắm hoặc bao gối với người khác. Trẻ em bị viêm kết mạc truyền nhiễm nên ở nhà, không nên cho đi nhà trẻ, mẫu giáo hoặc đi học cho đến khi mắt đã hết bệnh. Thường xuyên rửa tay kỹ để tránh lây bệnh sang người khác.

Viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc cũng có thể là bắt nguồn từ phản ứng dị ứng. Viêm kết mạc dị ứng không gây lây nhiễm như viêm kết mạc nhiễm trùng. Trẻ em từng bị các dị ứng khác thường dễ mắc bệnh này hơn. Nếu viêm kết mạc dị ứng, thường thấy người bệnh có các dấu hiệu khác kèm theo như ngứa hoặc sổ mũi và hắt hơi, ngứa mắt và chảy nước mắt… Trẻ em bị viêm kết mạc dị ứng hầu như luôn luôn dụi mắt rất nhiều.

Chăm sóc tại nhà

Nếu các triệu chứng nhẹ, có thể nhẹ nhàng chùi sạch mắt bằng bông gòn thấm nước ấm.

  • Chỉ chùi sạch theo một chiều, từ bên trong của mắt (phía mũi) ra ngoài, như vậy tránh lây bệnh sang mắt kia nếu chỉ một mắt bị viêm.
  • Thải bỏ bông gòn sau mỗi lần chùi để tránh bị tái nhiễm.

Đừng tìm cách chùi sạch bên trong mí mắt vì làm như vậy có thể gây tổn hại đến kết mạc. Thuốc nhỏ mắt bôi trơn như ‘nước mắt nhân tạo’ có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.

Đau mắt, viêm và ngứa do viêm kết mạc dị ứng có thể trị bằng thuốc kháng histamin. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về tiền sử dị ứng của bạn trước khi tự ý sử dụng thuốc kháng histamin.

Rất nhiều trường hợp đã nghe người ta nói có thể thoa sữa mẹ lên đôi mắt em bé nếu mắt đổ ghèn hoặc có chất dịch dính. Điều này là không có cơ sở khoa học. Xin nhắc lại rằng Sữa mẹ không trị viêm kết mạc và không có lợi ích gì khi thoa lên mắt em bé.

Khi nào đi khám bác sĩ

Đi khám bác sĩ nếu sau hai ngày mắt không bớt bị viêm kết mạc hoặc nếu bạn/trẻ bị bất kỳ điều nào sau đây:

  • đau mắt dữ dội
  • có vấn đề về tầm nhìn/thị lực
  • bị sưng, đỏ và đau ở mí mắt và quanh mắt nhiều hơn
  • nói chung là không khỏe và bị sốt
  • có đốm trắng dai dẳng trong giác mạc (‘cửa sổ’ trong suốt ở phía trước mắt).

Bác sĩ sẽ xác định bạn bị viêm kết mạc loại nào và có thể đề nghị điều trị bằng thuốc kháng sinh nếu bạn bị viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra. Nên điều trị cả hai mắt, ngay cả khi có vẻ chỉ có một mắt bị bệnh. Tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ mắt trong hai ngày sau khi mắt hết đổ ghèn.

Những điểm chính cần nhớ

Phòng bệnh viêm kết mạc

 

  • Viêm kết mạc có thể là vì bị nhiễm trùng hoặc dị ứng. Nếu bị nhiễm trùng, bệnh này thường rất dễ lây.
  • Đứa trẻ bị viêm kết mạc truyền nhiễm dễ lây sang người khác cho đến khi mắt hết đổ ghèn.
  • Trẻ em bị viêm kết mạc truyền nhiễm nên ở nhà, đừng đi nhà trẻ, mẫu giáo hoặc đi học.

Tài liệu của Ủy ban y tế công cộng Boston

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *