Chuyện gạo lứt muối vừng và bệnh ung thư

Mình vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu ở vị trí có thể phẫu thuật được, nhưng từ chối điều trị về nhà ăn gạo lứt thực dưỡng theo lời các thánh nhân cõi mạng. Sau 3 tháng đến viện cấp cứu vì suy kiệt và các khối u nhỏ di căn lên tận não. Người nhà bệnh nhân túm mình bảo cứu em với. Lúc này, thì cứu bằng giời.

Gạo lứt là món ăn truyền thống có từ thời xa xưa từ khi con người biết đến việc trồng lúa, thế nên nó chẳng có gì lạ. Tuy thế gần đây dân tình rộ lên việc ăn món gạo lứt muối vừng thực dưỡng khó nuốt này để chữa bách bệnh, từ đau mắt rắt răng cho đến chữa hẳn ung thư. 
Đã có ai từng tự hỏi nó là cái gì mà thần kỳ đến như thế.

Thực ra có 2 loại gạo, gạo lứt (brown rice) và gạo trắng (white rice) phân biệt bởi màu sắc. Nguồn gốc của chúng đều từ hạt thóc, chỉ là khác nhau ở cách xay sát, gạo lứt sau khi bỏ lớp trấu (chaff) bên ngoài thì giữ lại lớp vỏ ngoài màu nâu đỏ mỏng tang cùng mầm gạo (còn gọi là CÁM-Bran ), còn gạo trắng thì bỏ nốt lớp vỏ này rồi được đánh bóng (còn gọi là hạt gạo, nội nhũ-Endosperm).

Cấu tạo của hạt gạo

Như vậy, Cám gạo trong gạo lứt là thành phần duy nhất mà gạo trắng không có. Cám gạo chiếm 7-8% thành phần hạt, có chứa nhiều chất xơ, vitamin B, một số khoáng chất như Mg, Mn, P và có nhiều hơn đến 40% Protein so với gạo trắng. Nói vậy thôi chứ gạo chủ yếu là để cung cấp carbonhydrat cơ mà. Ngoài ra cám gạo còn có nhiều chất béo đặc biệt là gamma-Oryzanol là loại acid béo không no có tính chống oxy hóa cao (gấp 4 lần vitamin E) tốt cho tim mạch, làm giảm cholesterol máu. Nói vậy thì khiếp quá, rõ ràng là gạo lứt tốt hơn gạo trắng thật.

Kể ra một lô lốc các chất tốt đẹp như vậy nhưng, lại nhưng, các vi chất vừa kể ra ấy nó nằm trong chiếc áo mỏng tang bao quanh hạt gạo chỉ chiếm 7-8%, số lượng khá nhỏ. Gần 200g gạo nấu lên mới có 80-85mg Mg (ai ăn được 200g gạo này 1 bữa mình gọi bằng cụ), trong khi 1 bát cải xoăn đã có 150mg rồi. Các thứ khác tương tự, hàm lượng ít hoàn toàn có thể thay thế bằng các món ăn khác có hàm lượng vi chất cao hơn. Như vậy, một bữa ăn cân bằng các loại thức ăn gồm tinh bột, rau xanh và thịt là tốt nhất cho sức khỏe.

Gạo lứt còn có thêm acid Phytic, acid này vốn dĩ không có cách nào cơ thể chống lại được nó, nó gắn với các vi chất làm giảm hấp thu chúng. Chưa kể, 100g gạo trắng có 6g protein, gạo lứt nhiều hơn 40% thì 100g cũng chỉ có khoảng 8g mà thôi. Đáng tiếc, về mặt khoa học thì sự hấp thu protein từ gạo lứt chả cao hơn gạo trắng, trong khi 1 miếng thịt cũng đủ cho bộ máy tiêu hóa thay vì làm việc quần quật để hấp thu chút đạm ít ỏi ấy…

Để tận dụng được cám gạo, chúng ta không thể đem nấu ăn rồi chờ hệ tiêu hóa hấp thu dần dần đến bủng beo như vợ chồng anh cu Tràng trong vợ nhặt của Kim Lân. Vì cám lẫn trấu chỉ có vài loài động vật nhai lại không phải con người mới tiêu hóa được, chúng có hệ enzym tiêu hóa riêng (lợn, trâu bò…chẳng hạn). Chúng ta đừng nghĩ mình giống lợn nhé.

Như vậy việc thực dưỡng, nó mang ý nghĩa thanh lọc và tinh thần là chính, không có giá trị nào khác ngoài việc đó.

Và cám gạo, muốn tận dụng được nó thì chỉ có cách ép thành dầu gạo, một thứ thực phẩm người Nhật nhiều năm nay hay dùng trong công nghiệp làm đẹp và đương nhiên, trong cả các bữa ăn thay cho nhiều loại dầu thực vật khác vì nó chứa nhiều vitamin, acid béo không no ở tỉ lệ khá cân bằng.

Gạo lứt, khi nấu lên và ăn nó, thú thật là nhai hết sức khủng khiếp và mỏi răng. Thảo nào chúng thường được khuyên nhai mấy trăm lần bên phải, rồi đảo mấy trăm lần bên trái, rồi mới nuốt. Mỏi răng chết.

Như vậy, chả phải ngẫu nhiên sau hàng bao nhiêu thế kỷ từ khi loài người biết đến cây lúa, họ lại chọn gạo trắng làm thức ăn chính chứ không phải gạo đỏ. Nhìn thấy những con số về thành phần, thì thấy hết sức kinh khiếp tại sao lại có thứ thần diệu như thế, thực ra thì lại khác. He he.

Muốn sống khỏe, chúng ta hãy ăn sạch, điều độ, tập thể dục mạnh mẽ lên đừng ngồi làm thánh nhân gõ phím. Tiêu hóa muốn tốt, thì ăn gạo trắng, còn muốn ăn cám thì thêm dầu gạo, vậy là đủ. Tội gì bắt đường tiêu hóa hoạt động cật lực một cách khốn khổ cơ chứ.

Nguồn: fanpage Đốc Tờ Húng Ngò (Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa cấp cứu A9 – Bệnh viện Bạch Mai)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *