Chụp cộng hưởng từ và những điều cần biết

1. Lợi ích, nguy cơ và hạn chế của chụp cộng hưởng từ

Lợi ích của chụp cộng hưởng từ

  • Chụp cộng hưởng từ là phương pháp khảo sát không xâm lấn, an toàn, không độc hại, không bị chiếu xạ.
  • Hình ảnh cộng hưởng từ có độ chính xác và độ tin cậy cao, cung cấp hình ảnh  rõ  ràng  và  chi  tiết của các tạng đặc (não, tủy sống, vú, gan, tụy, lách, thận, tiền liệt tuyến, tử cung), tim,  đường  mật,  hệ niệu, ống tiêu hóa (ruột non, trực tràng, hậu môn…), xương, gân – cơ, mạch máu và mô mềm khác.
  • Là yếu tố góp phần quyết định phương pháp điều trị bảo tồn hay phẫu thuật.
  • Thuốc tương phản dùng trong chụp cộng hưởng từ rất ít khi gây phản ứng dị ứng như thuốc cản quang i-ốt dùng trong chụp cắt lớp CT-scan hay X-quang.
  • Là phương tiện không xâm lấn có thể thay thế X-quang chụp mạch máu và CT-scan khi muốn chẩn đoán bệnh lý mạch máu.

Nguy cơ của chụp cộng hưởng từ

  • Không có nguy cơ nào trực tiếp do kỹ thuật chụp cộng hưởng từ gây ra; trừ khi, bạn có các chống chỉ định như: có đặt máy tạo nhịp, có mảnh kim loại hay vật liệu cấy ghép bằng kim loại trong cơ thể hay bạn bị chứng sợ khoang kín.
  • Nếu bạn cần phải sử dụng thuốc an thần trước khi chụp thì bạn có thể bị những nguy cơ do thuốc an thần gây ra. Tuy nhiên, nhân viên y tế sẽ giúp bạn kiểm soát giảm thiểu những điều đó.
  • Biến chứng xơ hóa toàn thân do thận sau tiêm tĩnh mạch chất tương phản Gadolinium: dù rất hiếm nhưng vẫn phải cẩn thận đối với người suy thận.
  • Ngưng cho con bú trong vòng 24 giờ sau tiêm chất tương phản từ.

Hạn chế của chụp cộng hưởng từ

  • Bạn cần nằm bất động phần cơ thể cần khảo sát trong suốt thời gian chụp.
  • Người béo phì, quá khổ không thể vào lọt máy chụp cộng hưởng từ hoặc coil nhận tín hiệu.
  • Những người mang thiết bị điện tử như máy tạo nhịp hay vật ghép kim loại không thể tháo khỏi cơ thể vẫn được phép vào phòng máy nhưng hình ảnh cộng hưởng từ có thể bị biến dạng, gây khó khăn trong việc chẩn đoán.
  • Nhịp tim bất thường cũng ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh.
  • Giá thành một lần chụp cộng hưởng từ cao.

2. Máy cộng hưởng từ hoạt động như thế nào?

Cấu tạo và hoạt động của máy chụp cộng hưởng từ
Cấu tạo và hoạt động của máy chụp cộng hưởng từ

Máy cộng hưởng từ có thể tạo ra từ trường rất mạnh. Khởi đầu, các bộ phận phát sóng radio tác động làm biến đổi các phân tử Hydro trong cơ thể. Khi ngưng phát sóng radio, các phân tử Hydro dần trở lại nguyên trạng. Sau một thời gian ngắn đã định sẵn, máy sẽ thu nhận tín hiệu phát ra từ các phân tử Hydro này và truyền đến hệ thống máy tính giải mã nhằm tạo ra những hình ảnh chuyên biệt phục vụ cho mục đích chẩn đoán. Những hình ảnh này sẽ chuyển đến phòng đọc phim cho các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh nhận xét và kết luận bệnh lý.

3. Quá trình chụp cộng hưởng từ diễn ra như thế nào?

Trước khi chụp cộng hưởng từ

Bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt tại nhà trước khi chụp. Bạn có thể ăn uống và dùng các thuốc như thường lệ. Đối với một số bộ phận chụp, bạn cần phải nhịn ăn và không uống sữa trước đó 4 – 6 giờ, đặc biệt với các chỉ định về bệnh lý gan – mật. Các vật trang sức và phụ kiện, răng giả cần tháo ra khỏi cơ thể trước khi chụp hoặc nếu không tháo được vui lòng báo cho nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Hãy báo cho nhân viên y tế nếu:

  • Có thai hay nghi ngờ có thai.
  • Sợ khoang kín hay tâm lý lo lắng.
  • Mang thiết bị điện tử hoặc các vật cấy ghép kim loại trong cơ thể.

Với trường hợp trẻ em, đôi khi cần hỗ trợ an thần cho bé hoặc gây mê trong lúc chụp. Sau cuộc chụp cộng hưởng từ có dùng thuốc an thần hoặc gây mê như trên, bạn sẽ được theo dõi tại bệnh viện trong vài giờ.

Nếu cần tiêm thuốc tương phản vào khớp hay tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da, bác sĩ sẽ tư vấn, giải thích cách thức sử dụng, qui trình thủ thuật và sẽ kiểm tra các thông tin sau đây để có thể hỗ trợ quá trình chụp thành công:

  • Bạn có dị ứng với các thuốc tương phản khi chụp hình trước đó (X-quang, CT-scan hay cộng hưởng từ) hoặc dị ứng với thức ăn, đồ uống nào không? Hiện tại hay trước đây bạn có bị suyễn hay không?
  • Bạn đã trải qua cuộc phẫu thuật nào chưa?
  • Bạn có bệnh lý thận hay đã được ghép gan?

Trong khi chụp cộng hưởng từ

  • Nhân viên y tế sẽ giúp bạn nằm đúng vị trí trong máy cộng hưởng từ. Họ sẽ lắp đặt coil chuyên dụng bao quanh bộ phận cần chụp để thu nhận hình ảnh chính xác, đồng thời dùng những miếng đệm chêm vào các vùng khác của cơ thể nhằm giúp bạn nằm yên thoải mái trong thời gian chụp.
  • Tùy theo bộ phận mà trong quá trình chụp, nhân viên y tế sẽ yêu cầu bạn phối hợp hít – thở, không cử động, không nuốt nước miếng, không liếc mắt qua lại…
  • Thời gian chụp kéo dài khoảng 10-30 phút tùy thuộc trường hợp có tiêm thuốc tương phản từ hay không.
  • Trong thời gian chụp bạn có thể nghe thấy những tiếng ồn do máy hoạt động tạo ra. Bạn sẽ được đeo tai nghe nhạc nhằm ngăn bớt những tiếng ồn này.
  • Nếu bạn lo lắng hay sợ khoang kín, cha mẹ hoặc người thân được cùng vào phòng chụp với bạn và cũng phải được kiểm tra gần giống bạn.
  • Nhân viên y tế đặt vào tay bạn một bộ phận như nút nhấn báo động để bạn có thể thông báo cho nhân viên y tế biết khi bạn cảm thấy có gì bất thường vào bất cứ lúc nào trong quá trình chụp, đồng thời họ sẽ quan sát tất cả những biểu hiện của bạn qua màn hình theo dõi. Đôi bên có thể trao đổi thông tin trong thời gian chụp.

Sau khi chụp cộng hưởng từ

  • Nếu có đường truyền tĩnh mạch, nhân viên y tế sẽ tháo khỏi cơ thể bạn khi đã theo dõi 15 phút sau chụp.
  • Ăn-uống và dùng thuốc bình thường.
  • Nếu bạn có dùng an thần hoặc gây mê, bạn sẽ được theo dõi sau chụp tại bệnh viện một thời gian ngắn (vài giờ).
  • Nhân viên y tế sẽ hẹn bạn thời gian lấy kết quả tùy vào bệnh lý.

Nếu được tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch, đôi khi có thể có tác dụng phụ hay phản ứng như sau:

  • Phản ứng nhẹ: Có vị kim loại tạm thời trong miệng, lạnh / ấm / đau ở vị trí tiêm, ngứa da, buồn nôn, nhức đầu… Tỷ lệ xảy ra dưới 1%.
  • Phản ứng nặng: Co thắt phế quản hoặc phản ứng có hại nghiêm trọng khác, rất hiếm khi xảy ra với tỷ lệ ít hơn 1/130.000 người.

Nếu được tiêm chất tương phản vào khớp:

  • Bạn có thể có cảm giác sưng đau, trằn nặng tại vùng khớp được tiêm, thường chỉ kéo dài tối đa là 48 giờ sau tiêm. Bạn có thể chườm lạnh hay uống thêm thuốc giảm đau. Nếu sau 2 ngày vẫn còn những triệu chứng này, bạn nên đến khám lại ngay.
  • Không nên tự chạy xe hay tập luyện hoặc mang vác nặng bằng tay hay chân có khớp được tiêm trong 24 giờ.

Tại sao phải chụp cộng hưởng từ

Chụp chụp cộng hưởng từ được thực hiện để khảo sát các loại bệnh lý như xơ vữa / hẹp / tắc mạch máu, bất thường bẩm sinh, viêm hay áp xe, u tân sinh (lành tính hay ác tính), rối loạn chuyển hóa, chấn thương (do lao động / thể thao / giao thông) của các tạng đặc (não, tủy sống, vú, gan, tụy, lách, thận, tiền liệt tuyến, tử cung), tim, đường mật, hệ niệu, ống tiêu hóa (ruột non, trực tràng, hậu môn…), cơ – xương – khớp và mạch máu.

ThS BS Hồ Ngọc Tú –  ThS BS Nguyễn Thị Phương Đan –  BSCK1 Nguyễn Văn Phát

Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *