Chẩn đoán và xử trí dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em

Theo GS.TS Nguyễn Gia Khánh tỷ lệ trẻ dị ứng đạm sữa bò ở Việt Nam khá phổ biến. Kết quả phỏng vấn các bà mẹ thì có đến 12,6% trẻ có các triệu chứng nghi ngờ dị ứng đạm sữa bò, nhưng thực tế qua sàng lọc chẩn đoán thì chỉ 2,1% trẻ thực sự dị ứng nhanh với đạm sữa bò. Tuy nhiên phản ứng với đạm sữa bò còn có cơ chế dị ứng muộn với các triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Các biểu hiện nôn trớ, tiêu chảy kéo dài, táo bón, thiếu máu, thiếu sắt, suy dinh dưỡng chưa tìm thấy nguyên nhân có thể do nguyên nhân dị ứng đạm sữa bò. Ngoài ra, dị ứng đạm sữa bò thường chẩn đoán nhầm lẫn với bất dung nạp đường Lactose.

1. Định nghĩa

Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng phản ứng miễn dịch với đạm sữa bò, gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ.

2. Các triệu chứng lâm sàng

Dị ứng đạm sữa bò biểu hiện trong những tuần đầu tiên ngay sau khi trẻ tiếp xúc với đạm sữa bò.

Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng với đạm sữa bò

Cơ quan

Triệu chứng

Tần suất

Da

– Viêm da cơ địa

– Sưng môi và mi mắt (phù mạch)

– Nổi mề đay (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cấp, thuốc hay do nguyên nhân nào khác)

50 – 70%

Đường tiêu hóa

– Thường xuyên trào ngược và nôn trớ

– Tiêu chảy/bón (kèm có hay không có ngứa hậu môn)

– Máu trong phân

– Thiếu máu thiếu sắt

50 – 60%

Đường hô hấp

– Sổ mũi, ho kéo dài, khò khè (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng)

20 – 30%

Toàn thân

Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn (>3 giờ mỗi ngày/ kích thích) ít nhất 3 ngày trong 1 tuần kéo dài trên 3 tuần

 

3. Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò

Việc chẩn đoán dị ứng với sữa bò thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng cùng việc thu thập tiền sử và được xác định khi thực hiện các xét nghiệm dị ứng (theo Reda 2009).

– Khai thác tiền sử và thăm khám thể chất:

  – Tiền sử gia đình cần được khai thác vì dị ứng mang tính chất gia đình. Bên cạnh đó, tiền sử bản thân trẻ và loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các dạng triệu chứng và các yếu tố khởi phát là thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán cùng với các thăm khám thể chất trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp vì đây là các cơ quan thường chịu ảnh hưởng của tình trạng dị ứng đạm sữa bò (theo Host và cộng sự 2003; Akdis và cộng sự 2006)

– Xét nghiệm dị ứng:

o Lẩy da (Skin prick Test) với sữa

o Xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)

o Test loại trừ: ăn kiêng sữa trong 2-4 tuần

o Test thử thách với đạm sữa bò: ăn lại sữa bò

4. Xử trí dị ứng với đạm sữa bò

Theo các hướng dẫn của Hiệp hội Nhi khoa, Tiêu hóa, Gan và Dinh dưỡng Châu Âu (ESPGHAN) và Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ (AAP) về xử trí dinh dưỡng cho trẻ nhũ nhi dị ứng đạm sữa bò, Hội Nhi Khoa Việt Nam và các chuyên gia y tế nhi khoa đã thống nhất đưa ra hướng dẫn xử trí dinh dưỡng mới nhất cho dị ứng đạm sữa bò tại Việt Nam như sau:

Trẻ dưới 12 tháng tuổi: thức ăn chủ yếu là sữa và sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong độ tuổi này. Cách duy nhất để xử trí dị ứng đạm sữa bò là hoàn toàn tránh sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò có thể gây dị ứng cho khỏi chế độ ăn. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phân toàn phần từ 2 đến 4 tuần. Nếu sau thời gian trên tình hình của trẻ được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu trẻ xuất hiện lại triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất 6 tháng đến 12 tháng. Sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phần đã được kiểm nghiệm lâm sàng về an toàn, hiệu qủa và được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài. Sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt chứa đạm thủy phân toàn phần chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, chứa đủ hàm lượng DHA (17mg/100kcal) và ARA (34mg/100kcal) cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch.

– Lưu ý khi trẻ được 1 tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể được thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Điều này phải được thực hiện tại cơ sở y tế đầy đủ thiết bị và được theo dõi kỹ lưỡng để đảm bảo xử trí kịp thời nếu tình trạng dị ứng vẫn còn. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa.

BS.TS. Lê Thị Minh Hương – Hội Nhi khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *