Cách chữa cước tay mùa đông hiệu quả ngay tại nhà

Cước tay mùa đông là bệnh lý thường gặp, có thể tự khỏi sau 1 đến 3 tuần. Bệnh có thể bị tái phát theo mùa trong nhiều năm. Cước tay mùa đông hoàn toàn có thể dự phòng bằng các phương pháp đơn giản và không hề tốn kém. 

1. Nguyên nhân bị cước tay?

Đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh cước tay. Bệnh được cho là có liên quan mật thiết với điều kiên lạnh – ẩm. Các chuyên gia cho rằng đây là phản ứng của cơ thể sau khi tiếp xúc với môi trường lạnh nhất là mùa đông. Các mạch máu nhỏ dưới da bị co lại gặp lạnh. Điều này dẫn đến giảm lưu thông máu, gây tình trạng viêm đau, nhất là ở những vùng được tưới máu ít như đầu ngón tay, chân. Đôi khi hiện tượng cước tay mùa đông lại xảy ra sau khi được sưởi ấm. Hiện tượng này được lý giải là do sự giãn nở đột ngột của mạch máu gây rò rỉ máu vào các mô lân cận. 

Tiếp xúc với môi trường lạnh - ẩm là một trong các nguyên nhân gây cước tay
Tiếp xúc với môi trường lạnh – ẩm là một trong các nguyên nhân gây cước tay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị mắc chứng cước tay

– Yếu tố gia đình

Chưa có nghiên cứu xác nhận bệnh cước chân tay có liên quan đến hệ gen di truyền. Nhưng bệnh có yếu tố gia đình, nếu cha mẹ mắc bệnh thì con có nguy cơ cao hơn cũng gặp cước chân tay.

– Bệnh nghề nghiệp

Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường lạnh ẩm như nghề chế biến thủy hải sản, làm đá…

– Quần áo bó sát hoặc để cơ thể không được che kín khi gặp lạnh. 

Mặc quần áo bó sát làm giảm sự lưu thông máu. cơ thể không được che kín khi gặp lạnh khiến mạch máu bị co lại. Cả hai yếu tố này đều dẫn đến hiện tượng giảm lưu thông máu, dễ tắc nghẽn mạch.

Môi trường và mùa. 

Cước tay ít xuất hiện hơn ở những vùng lạnh và khô hơn vì điều kiện sống và quần áo được sử dụng ở những vùng này có khả năng chống lạnh tốt hơn. Nguy cơ mắc bệnh cước tay cao hơn nếu bạn sống trong khu vực có độ ẩm cao và nhiệt độ lạnh nhưng không đóng băng. Bệnh thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 ở miền bắc nước ta.

– Người có bệnh mạch máu ngoại vi, lưu thông máu kém. 

Những người có hệ tuần hoàn kém có xu hướng nhạy cảm hơn với sự thay đổi của nhiệt độ, vì vậy họ dễ bị bệnh cước tay mùa đông. Bệnh có thể gặp ở người bệnh tiểu đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá…

– Người bị bệnh mô liên kết 

Những người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống, hội chứng Raynaud… dễ bị cước tay mùa đông hơn. Thậm chí ở những người này có thể dẫn đến các vết loét do thiểu dưỡng ở đầu chi.

– Một số đối tượng khác có nguy cơ cao bị cước tay mùa đông

  • Phụ nữ mang thai
  • Thiếu cân, suy dinh dưỡng
  • Người mắc bệnh rối loạn tủy xương

2. Cách chữa cước tay bằng phương pháp từ thiên nhiên

Cước tay mùa đông thường tự khỏi sau 1 đến 3 tuần. Có khá nhiều phương pháp điều trị cước tay mùa đông bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.

– Ngâm tay chân bằng nước thảo dược

Ngâm tay nước muối gừng giúp giảm nhanh triệu chứng cước tay mùa đông
Ngâm tay nước muối gừng giúp giảm nhanh triệu chứng cước tay mùa đông

Có rất nhiều bài thuốc ngâm chân được dùng phổ biến trong dân gian đem lại hiệu quả tốt trong điều trị cước tay chân.

  • Gừng tươi và muối: Giã nhỏ 1 củ gừng tươi (20 – 30g), thêm 10g muối biển hạt to. Cho tất cả vào 1 lít nước nóng. Hòa tan muối. Ngâm tay chân trong nước gừng muối. Khi nào nước bớt ấm lại cho nước sôi vào. Không nên ngâm nước nóng già. Nhiệt độ nước ngâm phù hợp khoảng 40-50 độ. Tổng thời gian ngâm khoảng 15 phút mỗi lần. Giai đoạn đang sưng đau mỗi ngày ngâm 1 lần. Khi bệnh đỡ hơn duy trì tuần ngâm 2-3 lần.
  • Gừng tươi và quế chi: Cho 1 củ gừng tươi giã nhỏ, 15g quế chi vào 1 lít nước nóng. Cách ngâm tương tự như ngâm nước gừng tươi và muối.
  • Lá lốt và cỏ xước: lấy 1 nắm lá lốt, 1 nắm cỏ xước cho vào 1,5 lít nước. Đun sôi trong khoảng 5-7 phút. Chờ nước đun ấm thì cho chút muối biển vào và ngâm chân. Cách ngâm như ngâm nước gừng tươi và muối.

– Xoa bóp tay chân bằng rượu thuốc

Xoa bóp nhè nhàng bàn, ngón tay làm tăng lưu thông máu đến đầu ngón tay
Xoa bóp nhẹ nhàng bàn, ngón tay làm tăng lưu thông máu đến đầu ngón tay

Xoa bóp nhẹ nhàng các ngón tay chân bằng rượu thuốc có thể giúp tăng lưu thông máu đến đầu chi, giảm sưng đau. Lưu ý xóa bóp nhẹ nhàng. Không nên xoa bóp mạnh làm tăng nặng tổn thương.

Rượu thuốc thường được dùng là rượu gừng, rượu ngũ gia bì…

  • Cách làm rượu gừng: 500g gừng tươi, rửa sạch, giã nhỏ rồi ngâm trong bình thủy tinh với 1 lít rượu 45 độ. Ngâm trong vòng 15 ngày là có thể dùng.
  • Cách làm rượu ngũ gia bì: 150g ngũ gia bì khô ngâm với 1 lít rượu 45 độ. Ngâm trong vòng 1 tháng là có thể dùng được.

3. Cách chữa cước tay bằng thuốc 

Cước tay chân hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Đa phần các phương pháp điều trị đều tập trung điều trị triệu chứng, dự phòng và điều trị biến chứng.

  • Với nhiều trường hợp bị cước tay chân nặng, các bác sỹ sẽ kê đơn kem bôi chứa corticoid để thoa tại chỗ.
  • Với các trường hợp viêm nặng gây loét thiểu dưỡng, nhiễm khuẩn cần được dùng thuốc kháng sinh.
  • Trong nhiều trường hợp, có thể sử dụng thuốc vận mạch Nifedipin. Thuốc làm giãn và cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên thuốc có khá nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt…

Nhìn chung tùy vào mức độ tổn thương, tính chất công việc… mà các bác sỹ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị cần thiết và phù hợp.

4. Cách phòng tránh bị cước tay

Giữ ấm cơ thể đặc biệt là bàn tay vào thời tiết chuyển lạnh
Giữ ấm cơ thể đặc biệt là bàn tay vào thời tiết chuyển lạnh
  • Nicotin làm co mạch máu , vì vậy người hút thuốc phải ngừng hút thuốc.
  • Nhà và nơi làm việc nên được cách nhiệt tốt, không có gió lùa và sưởi ấm vào mùa đông.
  • Giữ ấm cơ thể vào mùa đông bằng cách sử dụng quần áo giữ nhiệt, đeo găng tay, chân đi tất ​​dày và mang giày giữ thoải mái. Nên dùng loại găng tay chống thấm nước, có lớp bông lót để làm việc trong nước hoặc đi ngoài trời mưa, tuyết…
  • Ngâm tay trong nước ấm trong vài phút sẽ làm ấm tay trong tối đa vài giờ.
  • Tập thể dục thường xuyên trong nhà giúp giữ ấm cơ thể trong một thời gian sau đó.
  • Massage các ngón tay, chân thường xuyên để tăng lưu thông máu nuôi dưỡng đầu chi.

Bệnh cước tay mùa đông mặc dù không gây nguy hiểm nhưng gây đau nhức và ảnh hưởng đến sinh hoạt. Hy vọng với những hướng dẫn cơ bản trên sẽ giúp bạn điều trị cũng như phòng tránh bệnh cước tay mùa đông.

BS. Thanh Mai

Nội khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *