Bổ sung vitamin D cho mẹ, trẻ được hưởng lợi gì?

Vốn dĩ bao lâu nay chúng ta luôn mặc định phụ nữ mang thai và cho con bú phải bổ sung vitamin D thường xuyên để thai nhi cũng như trẻ nhỏ được phát triển toàn diện. Nhưng sự thật có vẻ không phải vậy.

Tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) mới đây đăng tải một báo cáo về mối quan hệ “Bổ sung vitamin D trong thai kỳ, cho con bú và tăng trưởng ở trẻ sơ sinh” khiến nhiều người bất ngờ.

1. Nghiên cứu “Bổ sung vitamin D trong thai kỳ và cho con bú và tăng trưởng ở trẻ sơ sinh” cho ta biết những gì?

Nghiên cứu được thực hiện trên 1300 phụ nữ mang thai khỏe mạnh trong vòng hơn 1 năm và nghiệm thu kết quả trên 1164 trẻ.

Các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu đã sắp xếp các thai phụ thành 5 nhóm một cách ngẫu nhiên

  • Nhóm 1: được bổ sung vitamin D trước khi sinh (từ 17 đến 24 tuần tuổi thai) và sau sinh 26 tuần.
  • Nhóm 2: dùng giả dược trong suốt giai đoạn tiền sản và sau sinh 26 tuần
  • Các nhóm 3, 4, 5: được bổ sung vitamin D trước sinh với liều lần lượt là 4200 IU mỗi tuần, 16.800 IU mỗi tuần, và 28.000 IU mỗi tuần.

Ngoài ra tất cả thai phụ đều được bổ sung Canxi (500 mg mỗi ngày), sắt (66 mg mỗi ngày), và axit folic (350 μg mỗi ngày) trong suốt thời gian tham gia thử nghiệm.

Kết quả thu được là không có sự khác biệt nào về sự tăng trường ở trẻ giữa 5 nhóm tham gia thử nghiệm.

Báo cáo đưa ra khẳng định

Việc bổ sung vitamin D cho người mẹ từ khi mang thai cho đến khi sinh hoặc cho đến 6 tháng sau sinh không cải thiện sự tăng trưởng của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.

Thảo luận được đưa ra trong báo cáo:

  • Kết quả của thử nghiệm này mặc dù đi ngược lại với giả thuyết rằng tình trạng vitamin D trước khi sinh trong nửa sau của thai kỳ là yếu tố quyết định kích cỡ trẻ sơ sinh. Tuy nhiên các tác giả của nhóm nghiên cứu khẳng định kết quả của họ có tính chính xác cao hơn. Bởi các nghiên cứu trước đây thường có số lượng người tham gia ít <135 người. Liều vitamin D trong thử nghiệm trước đây cũng rất thấp từ 200 – 400UI mỗi ngày tương đương 1/10 liều trong báo cáo này.
  • 4 trường hợp trẻ còi xương xuất hiện ở nhóm giả dược và nhóm dùng liều vitamin D 4200UI/tuần là con số quá nhỏ để có thể đưa ra một kết luận phù hợp
  • Tại thời điểm hiện tại WHO không khuyến cáo bổ sung vitamin D thường xuyên trong thai kỳ.  Kết quả của nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm này, thậm chí là với các quân thể dân cư mà ở đó thiếu hụt vitamin D và hạn chế tăng trưởng thai nhi – trẻ sơ sinh là gánh nặng y tế.

2. Bàn luận cá nhân

Vấn đề 1: Vì sao người ta lại đưa vấn đề này ra để nghiên cứu?

Có lẽ vì cuộc sống ngày một đủ đầy hơn nên người người đua nhau bổ sung này nọ chỉ với mong muốn con cao lớn, con thông minh. Nhưng quan điểm cá nhân của tôi thì rõ ràng việc quan phát triển về thể chất và trí tuệ không hoàn toàn phụ thuộc vào những điều này. Có quá nhiều thứ quyết định sự phát triển của trẻ

  • Chế độ dinh dưỡng của phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Trạng thái tâm lý của bà bầu và phụ nữ sau sinh
  • Tình trạng sức khỏe của người mẹ trước trong và sau khi sinh con
  • Cách thức nuôi dạy trẻ
  • Chế độ dinh dưỡng cho trẻ
  • Hệ gen di truyền…

Khoa học ngày càng phát triển. Nghiên cứu nào là DHA, canxi, vitamin D… Và với thời đại công nghệ như hiện nay ai cũng có thể tiếp cận với các thông tin này. Vậy liệu tất cả có đều sinh ra những thiên tài hay không. Nếu chỉ vì uống sữa, bổ sung các chất mà con thông minh và phát triển tốt thì há chẳng phải thế giới này thiên tài cũng sẽ nhiều như thiêu thân mùa mưa sao?

Vấn đề 2: Vitamin tưởng chừng như vô hại, ai cũng dùng được và dùng thoải mái nhưng không phải thế.

Mỗi ngày tiếp xúc với người bệnh hoặc những người quen biết xung quanh tôi luôn nhận được câu hỏi “anh/chị/cô/chú… đang định uống vitamin tổng hợp có được không?”

Tôi thật sự thắc mắc và luôn hỏi lại họ “vì sao lại muốn uống vitamin?” Câu trả lời nhận được luôn là

  • Thấy thiếu thiếu
  • Anh A, chị B bảo uống tốt lắm
  • Cứ uống vào thừa còn hơn thiếu

ÔI! Thiên a!

Để có thể chẩn đoán ra cái “thấy thiếu thiếu” ấy chúng tôi những bác sỹ và chuyên gia dinh dưỡng phải học hành không dưới 6 năm trong trường y. Ấy vậy mà họ không được đào tạo gì, chỉ là cảm giác thiếu thiếu thì sẵn sàng đi bổ sung.

Cái quan niệm thừa còn hơn thiếu có thể đúng với kiến thức, đúng với tiền, hoặc vô số thứ khác chứ tuyệt nhiên không thể áp dụng với thuốc điều trị. Đã là thuốc thì để chữa bệnh. Và bất kể thứ gì cũng thế dù thừa hay thiếu đều dẫn đến sự mất cân bằng. Và cứ mất cân bằng thì sinh ra bệnh.

Trào lưu đua theo người khác khiến nhiều người dở khóc dở cười. Với một người thiếu vitamin thì đương nhiên uống bổ sung vitamin sẽ thấy “tốt lắm”. Nhưng với người không thiếu thì mọi chuyện có thể ngược lại.

Cũng giống như trong Đông y không có cây thuốc quý. Nhân sâm cũng quý mà hoa hòe cũng quý. Và chúng chỉ quý khi chúng phù hợp với từng người và chữa đúng bệnh mà thôi.

P/s: The New England Journal of Medicine (NEJM) – tạp chí y khoa hàng đầu thế giới với lịch sử 200 năm. Tạp chí chuyên cung cấp các nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng cho các bác sỹ và cộng đồng y khoa toàn cầu.

Nghiên cứu này nhận được sự hỗ trợ từ  Quỹ Bill và Melinda Gates.

Link Bài báo cáo: www.nejm.org/doi/full/10.1056/NEJMoa1800927?query=featured_home

Tổng hợp và lược dịch: BS Thanh Mai – Hội Nội khoa Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *