Bệnh nhân điều trị ung thư bị chán ăn, mất cảm giác ngon miệng

Không còn cảm giác ngon miệng, nhạt miệng, đắng miệng, chán ăn… là một trong các biểu hiện khá phổ biến ở người bệnh đang điều trị ung thư. Biểu hiện của tình trạng này khá đa dạng. Có thể là tình trạng kém ăn, mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hơn bình thường, không thấy đói, thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ.

1. Biến chứng nguy hiểm khi tình trạng chán ăn, mất cảm giác ngon miệng kéo dài

  • Giảm cân
  • Thiếu hụt dinh dưỡng
  • Mệt mỏi
  • Giảm sức vận động do mất cơ bắp (teo cơ, cơ không có lực để hoạt động)

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn

Có nhiều nguyên nhân gây chán ăn, mất cảm giác ngon miệng ở một người bệnh ung thư

  • Những thay đổi trong quá trình trao đổi chất, sự chuyển hóa đồ ăn thức uống thành năng lượng. Đây là những phản ứng thường thấy ở một ung thư đang tiến triển.
  • Ung thư của các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa hoặc các tổ chức trong vùng bụng gây kích ứng, sung, đau…
  • Lách to, gan to hoặc các khối ở gan, lách đè đẩy vào dạ dày gây cảm giác no giả.
  • Cổ trướng là tình trạng tích tụ chất lỏng trong ổ bụng tạo ra cảm giác no nhanh.
  • Tác dụng phụ không mong muốn của các loại thuốc dùng trong hóa trị liệu, liệu pháp miễn dịch, các loại thuốc khác…
  • Xạ trị, phẫu thuật tại các cơ quan tiêu hóa như dạ dày, ruột..
  • Các tác dụng phụ khác của quá trình điều trị ung thư cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng như: loét miệng, buồn nôn, nôn, nhiễm trùng vùng miệng, khô miệng, khó nuốt, thay đổi vị giác, táo bón, tiêu chảy, đau, mệt mỏi, căng thẳng lo lắng…

3. Làm gì khi bị chán ăn, mất cảm giác ngon miệng

Bước đầu tiên trong điều trị mất cảm giác ngon miệng là các giải quyết nguyên nhân  cơ bản gây ra tình trạng này. Điều trị tốt các vấn đề như buồn nôn, nôn, lở miệng, khó nuốt, khô miệng hay tình trạng trầm cảm… để giúp cải thiện sự thèm ăn.

Mặc dù bạn có thể không cảm thấy muốn ăn nhưng bạn cần nhớ rằng có được dinh dưỡng đầy đủ, cân nặng tiêu chuẩn là yếu tố quan trọng trong quá trình phục hồi của bạn. Ăn uống cũng giúp bạn có đủ sức khỏe để đối phó với các tác động khối ung thư cũng như các phương pháp điều trị ung thư.

Dưới đây là một vài lời khuyên dành cho bệnh nhân ung thư chán ăn

  • Ăn 5 – 6 bữa nhỏ mỗi ngày và ăn nhẹ bất cứ khi nào bạn thấy đói.
  • Đừng giới hạn số lượng bạn ăn
  • Xác định thời điểm nào trong ngày bạn thường đói và ăn vào những thời điểm đó
  • Ăn đồ ăn nhẹ bổ dưỡng có nhiều calo và protein. Có thể lựa chọn trái cây khô, các loại hạt dinh dưỡng, sữa chua, phomat, trứng, sữa, kem, ngũ cốc, bánh pudding…
  • Giữ thực phẩm, đồ ăn vặt mà bạn yêu thích ngay bên người để có thể ăn bất cứ lúc nào.
  • Tăng lượng calo và protein trong thực phẩm bằng cách thêm nước sốt, bơ, phô mai, bơ hạt, kem, hạt dinh dưỡng
  • Nên uống các loại nước giữa các bữa ăn thay vì uống trong bữa ăn. Uống trong khi ăn thường khiến bạn thấy no nhanh.
  • Nên lựa chọn các loại thức uống giàu dinh dưỡng như sữa, sinh tố…
  • Nên nhờ người than chuẩn bị sẵn nguồn thực phẩm hoặc chế biến luôn các món ăn nếu bạn cảm thấy quá mệt không thể đi mua sắm hoặc nấu nướng. Trong trường hợp bất đắc dĩ có thể cân nhắc mua các bữa ăn đã được nấu sẵn.
  • Cố gắng lựa chọn môi trường ăn có không khí tạo cảm giác thích thú khi ăn, nên ăn với gia đình hoặc bạn bè, nơi ăn uống nên có tạo cảm giác thoải mái…
  • Thử đặt thức ăn vào các đĩa nhỏ với lượng ít một thay vì vào đĩa lớn với số lượng nhiều.
  • Nếu đồ ăn có mùi vị khiến bạn buồn nôn bạn có thể chờ chúng nguội rồi mới ăn như vậy sẽ giảm bớt mùi và đương nhiên giảm cả hương vị của món ăn.
  • Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nêm gia vị bạn có thể lựa chọn các gói gia vị được làm sẵn như các gói gia vị cho món chua, món kho…
  • Nếu bạn thấy miệng có vị lak như vị kim loại, vị đắng, vị nhạt… có thể thử ngậm kẹo bạc hà, kẹo hương trái cây yêu thích hoặc vài giọt chanh trước khi vào bữa ăn.
  • Nếu bạn thấy bụng đầy chướng lâu tiêu có thể dùng chút gừng hoặc nước táo mèo, kẹo mạch nha…
  • Có thể tập thể dục nhje nhàng trước ăn như đi bộ 20 phút để kích thích sự đói và cảm giác thèm ăn.
  • Nếu tình trạng này của bạn vẫn kéo dài có thể liên hệ với bác sỹ điều trị để được sử dụng các loại thuốc hỗ trợ như Megestrol acetate, medroxyprogesterone (những dạng của hormone progestero, steroid (giảm đau), metoclopramide (tăng nhu động ruột giúp đẩy thức ăn ra khỏi dạ dày và có thể ngăn ngừa cảm giác no trước khi ăn đủ thức ăn), dronabinol (điều trị buồn nôn, nôn do hóa trị ung thư)
  • Trong nhiều trường hợp không cải thiện tình trạng chán ăn bằng các biện pháp thông thường sẽ phải cân nhắc đến việc cho ăn qua sonde dạ dày hoặc dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Hy vọng với những thông tin trên đây sẽ giúp được bạn và người thân vượt qua tình trạng mất cảm giác ngon miệng trong quá trình điều trị ung thư.

BS Thanh Mai

Nguồn tham khảo: Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO)

https://www.cancer.net/coping-with-cancer/physical-emotional-and-social-effects-cancer/managing-physical-side-effects/appetite-loss

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *