Bệnh Melioidosis (Whitmore) và những điều cần biết

Gần đây, nhiều thông tin liên quan đến bệnh Whitmore (nhiều người thường gọi là nhiễm vi khuẩn ăn thịt người) khiến người dân hoang mang, lo lắng. Hãy tham khảo các thông tin từ bác sĩ chuyên khoa để có thế hiểu đúng và đầy đủ về căn bệnh này.

1. Bệnh Whitmore là gì?

Bệnh Melioidosis (hay bệnh Whitmore) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây gọi là Pseudomonas pseudomallei) gây nên.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong nước bẩn, đất, bùn và lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp vùng da tổn thương, trầy xước với các nguồn ô nhiễm hoặc hít phải các hạt bụi đất, nước chứa vi khuẩn này.

Bệnh Melioidosis thường gia tăng vào mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 11.

Các thể bệnh thường gặp của Melioidosis là: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng cơ, nhiễm trùng phần mềm, viêm hạch, viêm xương…

Thời kỳ ủ bệnh của Melioidosis là từ 1 – 21 ngày (trung bình 9 ngày). Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, dài nhất đã ghi nhận được là 62 năm.

Hiện nay, chưa có vắc-xin và kháng sinh để phòng ngừa nên vi khuẩn này còn được coi như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. 

Đặc điểm của bệnh Melioidosis
Đặc điểm của bệnh Melioidosis

 

2. Vì sao bệnh nguy hiểm mà thường bị “lãng quên”?

Cho đến nay, bệnh Melioidosis đã có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm, có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và cướp đi mạng sống của 89.000 người. Tỷ lệ tử vong chung của bệnh Melioidosis là khoảng 40 – 60%.

Bệnh Melioidosis còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng máu, viêm phổi, áp xe nhiều cơ quan… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, ngay cả khi được chẩn đoán đúng, việc điều trị cũng hết sức khó khăn vì vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh và phải dùng kháng sinh đường tiêm liều cao tấn công kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì trong khoảng từ 3 đến 6 tháng nữa. 

Điều nguy hiểm nữa là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ. Ngoài ra, việc điều trị bệnh phải mất nhiều thời gian và tốn kém nên nhiều bệnh nhân không có đủ khả năng để tiếp tục điều trị đến cùng. Đây là những nguyên nhân gây thất bại điều trị và dẫn đến tử vong.

Cho đến nay, bệnh Melioidosis vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh Melioidosis thường bị “lãng quên” do khó khăn trong chẩn đoán vì có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, phức tạp. Các triệu chứng của bệnh thường rất giống với nhiều loại bệnh khác do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn tụ cầu, liên cầu… Do đó, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ – xương – khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… dẫn đến điều trị không phù hợp gây ra biến chứng và khiến bệnh trầm trọng hơn.

3. Phương thức truyền bệnh

Người bị bệnh Melioidosis do lây nhiễm vi khuẩn qua các con đường:

– Tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất hoặc nước nhiễm khuẩn.

– Hít phải các hạt bụi có chứa vi khuẩn; hít phải nước nhiễm khuẩn khi bơi/đuối nước ở ao hồ, sông suối.

– Lây nhiễm qua đường ăn uống khi thức ăn nhiễm khuẩn.

– Vi khuẩn có thể truyền từ mẹ sang con qua tuyến sữa khi người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei.

– Tiếp xúc vết trầy xước da với động vật chết do nhiễm bệnh Melioidosis như chó, mèo, bò, dê…

4. Chẩn đoán và điều trị

Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh Melioidosis thường là:

  • Sốt,
  • Viêm phổi,
  • Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí,
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu…

Yếu tố nguy cơ: tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già cũng rất dễ mắc vì hệ miễn dịch yếu.

Khi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh kết hợp những triệu chứng trên, cần đến ngay những cơ sở y tế uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.

5. Phòng bệnh Melioidosis

Ở những vùng có bệnh lưu hành, những người bị suy giảm miễn dịch (như AIDS, ung thư, những bệnh nhân hóa trị …), tiểu đường, bệnh phổi, gan, thận mạn tính, nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại.

Những người làm việc tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước bẩn phải có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp (mang ủng, găng tay,…).

Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay, bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.

Đặc biệt nhấn mạnh, hiện nay chưa có vắc-xin dự phòng bệnh Melioidosis, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng.

ThS.BS Nguyễn Danh Đức

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *