Bệnh đậu mùa khỉ – Những điều cần biết!

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm đặc trưng bởi triệu chứng phát ban mụn nước được phát hiện trên người từ năm 1970. Hiện nay, bệnh  đang có xu hướng bùng phát trở lại và được tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Vậy làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu cũng như phòng bệnh đậu mùa khỉ là lo lắng của rất nhiều người. Hãy cùng chuyên gia giải đáp trong bài viết dưới đây.

1.Đậu mùa khỉ là bệnh gì?

Một loại virus thuộc chi orthopoxvirus là nguyên nhân gây đậu mùa khỉ
               Một loại virus thuộc chi orthopoxvirus là nguyên nhân gây đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người gây ra bởi một loại virus thuộc chi orthopoxvirus. Loại virus này cùng họ với virus variola gây ra bệnh đậu mùa ở người. Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện vào năm 1958 khi bùng phát hai đợt bệnh tương tự như thủy đậu trên đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu. Trường hợp bệnh ở người đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa dân chủ Congo. Sau đó đã bùng phát thành dịch. Chiến dịch tiêm chủng vacxin đã được thực hiện giúp tăng khả năng miễn dịch và giảm tỷ lệ mắc bệnh.

Hàng năm vẫn xuất hiện một số ca mắc đậu mùa khỉ nhưng không phát triển thành dịch. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh. Vào ngày 06/05/2021 một đợt bùng phát đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại Vương Quốc Anh với nguồn lây là một công dân Anh đã đến Nigeria. Tính đến ngày 21/05/2022, có 92 trường hợp đến từ 13 quốc gia được xác nhận là mắc đậu mùa khỉ.

Ngày 23/07/2022 Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do số lượng ca mắc tăng đột biến. Tính đến nay, trên toàn thế giới đã có trên 16.000 ca mắc được giám sát tại 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động 0 -11%. Gần đây tỷ lệ này dao động trong khoản 3- 6% và tăng lên ở trẻ nhỏ. Ngay sau công bố của tổ chức y tế thế giới, hàng loạt nước đã họp khẩn và ban bố cảnh báo về bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 24/07/2022 Bộ Y tế đã họp khẩn cấp để tìm cách ứng phó với dịch bệnh.

2. Ai có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Trẻ em có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ
                         Trẻ em có nguy cơ cao mắc đậu mùa khỉ

Theo các chuyên gia dịch tễ, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, theo một số báo cáo cho thấy tỷ lệ nam giới dưới 40 tuổi mắc bệnh đậu mùa khỉ cao hơn hẳn so với nữ giới cùng tuổi. Bên cạnh đó một số nhóm người có hệ miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ mắc bệnh như:

  • Nam giới đồng tính hoặc lưỡng tính
  • Người cao tuổi
  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ em
  • Người mắc hội chứng suy giảm HIV/AIDS.
  • Người đang được điều trị bởi thuốc steroid.
  • Người mắc các vấn đề về da như chàm, viêm da dị ứng, vẩy nến,…

3. Đậu mùa khỉ lây qua con đường nào?

Trước đây, virus gây đậu mùa khỉ lây truyền qua từ động vật mang virus sang người, ít khi lây từ người sang người. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch gần đây các chuyên gia y tế đã ghi nhận tình trạng lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các con đường:

  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết cơ thể
  • Tiếp xúc với các vết thương hở trên da
  • Tiếp xúc với giọt bắn đường hô hấp.

4. Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ

Sau khi nhiễm virus từ 7 – 14 ngày, người bệnh bắt đầu có các triệu chứng tương tự như nhiễm các loại virus khác:

  • Sốt
  • Đau cơ
  • Mệt mỏi
  • Nổi hạch. Đây là triệu chứng đặc trưng phân biệt với các bệnh nhiễm virus khác như sởi, quai bị,…

Sau 1 – 2 ngày bắt đầu xuất hiện các tổn thương da ở miệng rồi tới mặt, chân tay, cơ quan sinh dục. Trong 2 – 4 tuần tiếp theo, các tổn thương tiến triển triển lần lượt qua bốn giai đoạn:

  • Dát: tổn thương có nền phẳng
  • Sẩn: Tổn thương cứng, hơi nhô cao.
  • Mụn nước: Tổn thương chứa đầy dịch trong.
  • Mụn mủ: Tổn thương chứa đầy dịch vàng. 

Sau 5 – 7 ngày, vùng da bị tổn thương bắt đầu hình thành vảy và tự bong tróc sau 7 – 14 ngày. Khi tất cả các lớp vảy bong ra, người bệnh được coi là không có nguy cơ truyền bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ gây tổn thương da
                                Bệnh đậu mùa khỉ gây tổn thương da

5. Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2 – 3 tuần. Tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng thứ phát
  • Viêm phế quản phổi
  • Nhiễm trùng huyết
  • Nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực.

6. Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ?

Đậu mùa khỉ gây ra bởi loại virus cùng chi với virus gây bệnh đậu mùa. Vì vậy, nhiều quốc gia vacxin phòng bệnh đậu mùa để phòng bệnh đậu mùa khỉ. Tác dụng phòng bệnh của vacxin khoảng 75 – 80%. Tuy nhiên, qua thời gian virus có nhiều đột biến thành các chủng khác nhau. Vì vậy, để phòng bệnh đậu mùa khỉ bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Không tiếp xúc với người được chẩn đoán hoặc nghi ngờ nhiễm virus.
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh.
  • Mang găng tay và đồ bảo hộ khi chăm sóc người bệnh. 
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Tránh tiếp xúc với những động vật có thể mang virus như khỉ, động vật gặm nhấm, chó,… có tiền sử nhiễm bệnh.
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng hoặc chất khử khuẩn. Đặc biệt sau khi tiếp xúc với người hoặc động vật bị nhiễm bệnh.
  • Chỉ ăn thức ăn đã nấu chín.

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm đã xuất hiện từ lâu nhưng trong thời gian gần đây bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh cần báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *