8 thói quen dễ gây lây nhiễm bệnh COVID-19

Theo số liệu mới nhất công bố ngày 8/3 thế giới có 107.104 người mắc, 3.649 người tử vong vì COVID-19. Tại Việt Nam tính đến 17h ngày 8/3 có 30 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 16 ca đã điều trị khỏi và xuất viện. Đây thực sự là một trong các dịch bệnh có tốc độ lan truyền nhanh và diễn biến phức tạp.

Theo nhiều báo cáo thống kê dịch tễ về đường lây truyền của bệnh COVID -19 các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều thói quen sinh hoạt của con người có thể là nguy cơ cao gây lan truyền bệnh trong cộng đồng. Bài viết dưới đây thống kê một số thói quen gây lây nhiễm virus corona mới đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra biện pháp phòng tránh bệnh COVID -19 hiệu quả.

1. Không rửa tay đúng cách và thường xuyên

Với đa phần các bệnh truyền nhiễm thì vệ sinh bàn tay là một trong các biện pháp phòng bệnh khá hiệu quả. Cũng giống như nhiều loại virus khác, virus corona mới cũng thông qua bề mặt da tay và tiếp xúc với niêm mạc mắt, miệng và nhiễm bệnh. Bàn tay cũng là 1 bộ phận tham gia vào nhiều hoạt động của cơ thể nhất là các hoạt động liên quan đến giao lưu giữa người với người. Đặc biệt những người tham gia công việc nội trợ, đầu bếp… nếu bàn tay không được đảm bảo vệ sinh thì khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác là rất cao.

Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nước sạch hoặc các dung dịch sát khuẩn giúp hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. Để bảo vệ đôi tay trong các đợt dịch bệnh, mọi người cần

  • Rửa tay đúng cách, thường xuyên
  • Hạn chế cầm nắm trực tiếp vào các vật dụng chung như tay nắm cửa… Nếu phải sử dụng những vật dụng chung nên lót giấy sạch hoặc đeo găng tay dùng 1 lần.
  • Vệ sinh tay trước khi chế biến thực phẩm, sau khi đi vệ sinh, sau khi di chuyển từ ngoài về.
  • Nên sử dụng xà phòng để rửa tay. Cọ kỹ nhất là phần móng tay ít nhất 20 giây trước khi rửa lại bằng nước sạch và lau khô.

2. Không che mũi và miệng khi hắt hơi

2019-nCoV là virus gây bệnh đường hô hấp. Vì vậy việc phòng tránh bệnh cũng chủ yếu là ngăn virus xâm nhập đường hô hấp. Trước nay mặc dù nhiều dịch bệnh đường hô hấp đã xảy ra như SARS, cúm A… nhưng vẫn nhiều người chưa có thói quen đeo khẩu trang. Một thói quen khác là khi ho, hắt hơi không che mũi miệng.

Hắt hơi là một phản xạ bảo vệ cơ thể bằng cách làm sạch mũi bằng một lực đẩy lớn. Kết quả của phản xạ hắt hơi là không khí cùng nước bọt, chất nhầy.. bị đẩy ra khỏi miệng và mũi đồng thời mang theo hàng ngàn vi trùng phát tán vào không khí. Nhiều nghiên cứu lượng giá mỗi lần hắt hơi bạn đã “thải: vào không khí khaongr 100.000 con vi trùng và đây là nguyên nhân lây lan nhiều bệnh tật.

Theo các báo cáo dịch tễ thì virus corona mới có thể theo giọt nước hắt hơi phát tán vào không trung hoặc bám trên các bề mặt đồ vật xung quanh. Để bảo vệ bạn và những người xung quanh khi hắt hơi bạn nên che mũi miệng bằng khăn giấy. Nếu không có khăn giấy thì có thể nhanh chóng hắt hơi vào tay áo thay vì hắt hơi vào bàn tay. Ngay sau khi hắt hơi nên rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chạm vào các bề mặt khác. Trong khi di chuyển trên đường bạn nên sử dụng khẩu trang để đề phòng các trường hợp hắt hơi đột xuất. Ngoài tác dụng ngăn không cho virus nCoV lây truyền thì việc che miệng mũi khi hắt hơi cũng thể hiện sự lịch thiệp trong giao tiếp với những người xung quanh.

3. Vứt khăn giấy, khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định

Vứt khẩu trang đã qua sử dụng bừa bãi khó thúc đẩy lây lan dịch bệnh ra cộng đồng
Vứt khẩu trang đã qua sử dụng bừa bãi khó thúc đẩy lây lan dịch bệnh ra cộng đồng

Việc sử dụng khăn giấy và khẩu trang nhưng lại không vứt vào thùng rác hoặc các nơi quy định cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Chúng ta cần hiểu rằng không chỉ virus corona mà tất cả các loại vi trùng từ vi khuẩn, virus, nấm… từ người bệnh, sau khi ho hoặc hắt xì hơi lúc bịt khẩu trang sẽ bám dính trên bề mặt khẩu trang. Khi khẩu trang bị vứt bừa bãi lượng vi trùng này có thể phân tán ra môi trường, bám vào các bề mặt vật dụng khác. Virus corona có thể tồn tại 3-5 ngày ở nhiệt độ khoảng 20ºC vì thế việc kiểm soát tốt khẩu trang đã qua sử dụng là một trong các biện pháp hiệu quả phòng tránh dịch bệnh lây lan.

Theo Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng lại khẩu trang (khẩu trang 1 lần, khẩu trang vải nên giặt sạch bằng xà phòng trước khi tái sử dụng), không dùng tay chạm vào bề mặt khẩu trang. Sau khi sử dụng xong nên bỏ khẩu trang vào đúng nơi quy định có thùng rác đậy nắp. Đối với những công nhân làm công tác vệ sinh môi trường, thường xuyên tiếp xúc với rác thải trong đó có khẩu trang y tế đã qua sử dụng cần trang bị cẩn thận đồ bảo hộ khi làm việc, nhất là khẩu trang và găng tay.

4. Khạc nhổ bừa bãi

Cũng giống như hắt hơi, việc khạc nhổ bừa bãi cũng là một trong các hành vi phát tán vi trùng ra môi trường xung quanh.

Khạc nhổ thường được xem là một hành động của sự tức giận và thiếu tôn trọng người xung quanh tuy nhiên đôi khi nó chỉ đơn giản là một thói quen của nhiều người. Trong quá khứ hành vi khạc nhổ là một thói quen được xã hội chấp nhận ở châu Âu, nhưng đến thế kỷ 19, cách cư xử đã thay đổi. Điều này trùng hợp với nhận thức lớn hơn về việc truyền các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan thông qua hành vi khạc nhổ bừa bãi.

Rất nhiều các chiến dịch y tế công cộng đã được triển khai để chống lại hành vi này. Một dẫn chứng cụ thể là trong những năm 1940, khi bệnh lao (TB) lan rộng, người ta thường thấy các dấu hiệu “khạc nhổ” trên xe buýt. Với dịch bệnh COVID – 19 hành vi này càng nên được thay đổi.

Đối với những người vô tình đứng cạnh hoặc ở gần người khạc nhổ bừa bãi thì bạn nên

  • Ngay lập tức rửa sạch tay, mặt… (những phần cơ thể mà bạn nghi ngờ rằng giọt nước bọt có thể bắn vào) bằng xà phòng và nhiều nước sạch.
  • Nếu nước bọt bắn vào mắt, mũi hoặc miệng, hãy rửa sạch bằng nhiều nước sạch, nhỏ mũi và mắt bằng nước muối sinh lý, súc họng.
  • Nếu bạn nghĩ rằng bạn có nguy cơ bị nhiễm bệnh, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe.

5. Không xả nước sau khi đi vệ sinh

Nói ra có thể nhiều người phản bác rằng thời hiện đại làm gì còn ai sau khi đi vệ sinh không xả nước. Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn vẫn đang diễn ra ở nhiều nhà vệ sinh công cộng. Bất kể chất thải nào cũng chứa hàng ngàn mầm bệnh vì vậy nhà vệ sinh nhất là nhà vệ sinh công cộng cần được giữ sạch sẽ. Muốn làm được điều này thì cần sự tham gia của tất cả mọi người.

Đặc biệt đối với chị em phụ nữ, cần bọc gói cẩn thận các sản phẩm vệ sinh phụ nữ trước khi vứt vào thùng rác.

6. Tiếp xúc hoặc tiêu thụ một số loài động vật có nguy cơ mang virus corona mới.

Khá nhiều các điều tra dịch tễ trước đây về các loại virus corona khác nhận thấy virus SARS-CoV lây từ cầy hương sang người còn virus MERS-CoV lây từ lạc đà. Phần lớn các loại coronavirus khác vẫn lưu hành ở động vật nhưng chưa lây sang người.

Mặc dù chưa có khẳng định nào được đưa ra liên quan đến nguồn động vật hoang dã cũng như vật chủ trung gian truyền 2019-nCoV sang người nhưng nhiều nghiên cứu ban đầu cho thấy dơi có thể là nguồn nguyên thủy của virus này.

Thêm nữa ngay sau khi dịch COVID-19 bùng phát thì các nhà chức trách Trung Quốc đã cho đóng cửa khu chợ chuyên buôn bán hải sản và động vật sống ở Vũ Hán. Mới đây nhất các nhà khoa học cũng đưa ra khuyến cáo liên quan cho rằng có thể tê tê là động vật hoang dã có thể có liên quan đến 2019-nCoV. Thịt tê tê và vảy tê tê được dùng khá nhiều trong ẩm thực cũng như lĩnh vực đông dược.

Khi mọi thứ còn chưa ngã ngũ và chưa được công bố chính thức, mọi người dân nên chủ động hạn chế tiếp xúc với các động vật hoang dã, không ăn đồ sống chưa qua nấu chín. Cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn vệ sinh thực phẩm. Cần đậy kín thức ăn tránh các loài vật nuôi trong cơ thể tiếp xúc với thức ăn bởi chúng có thể đã tiếp xúc với các bề mặt chứa virus trước đó.

Bên cạnh đó cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm bắt nguồn từ động vật hoang dã.

7. Ôm hôn, ăn chung, ngủ chung với vật nuôi trong gia đình.

Nên thay đổi thói quen ôm ấp vật nuôi để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh COVID - 19
Nên thay đổi thói quen ôm ấp vật nuôi để bảo vệ bản thân trước dịch bệnh COVID – 19

Rất nhiều bạn trẻ có thói quen cưng nựng các loài vật nuôi như chó, mèo… Trước đây hành động đó có thể là sự thể hiện tình yêu thương tuy nhiên trong giai đoạn hết sức nhạy cảm của dịch bệnh chúng ta nên tiết chế hoặc tốt nhất là không thực hiện các hành động âu yếm này với thú cưng. Thật khó để kiểm soát được rằng các “Boss” đã đi những đâu, làm những gì, và tiếp xúc với những bề mặt nào. Việc 2019-nCoV có thể tồn tại 3-5 ngày trên các bề mặt vật dụng là một trong các nguy cơ khiến các loài vật nuôi trong gia đình có thể mang theo virus lây truyền sang cho bạn.

8. Không vệ sinh sạch sẽ các vật dụng sử dụng thường xuyên như điện thoại, máy tính, tay nắm cửa… 

Nếu nói thứ gì bẩn nhất trong các vật dụng bạn sử dụng hằng ngày thì đó có thể là điện thoại. Nhiều người có thói quen sử dụng điện thoại cả trong nhà vệ sinh. Bàn tay bạn có thể chạm vào vô số các bề mặt bẩn và ngay sau đó cầm vào điện thoại. Nhiều nghiên cứu cho thấy lượng vi trùng trên điện thoại thậm chí cao gấp nhiều lần bồn cầu vệ sinh thì bạn sẽ hiểu vì sao cần vệ sinh điện thoại thường xuyên hơn.

Tương tự như điện thoại thì máy tính cũng là vật dụng ẩn chứa nhiều vi trùng nhất là bàn phím máy tính tại các quán net. Bên cạnh điện thoại và máy tính thì các vật dụng sử dụng thường xuyên cũng nên được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên hơn.

Để bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh COVID-19 tất cả mọi người nên bắt đầu thay đổi những thói quen dễ gây lây nhiễm virus corona nói chung đặc biệt là 2019-nCoV.

BS Uông Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *